"Vị ngọt" mía đường

ĐÌNH ĐẠI 04/06/2024 04:50

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng lên, lượng đường nhập khẩu lại sụt giảm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành mía đường khởi sắc.

>>>Ngành mía đường năm 2024: Triển vọng sản lượng sản xuất trong nước tích cực

Nhiều doanh nghiệp ngành mía đường có kết quả kinh doanh khởi sắc - (Ảnh minh họa).

Nhiều doanh nghiệp ngành mía đường có kết quả kinh doanh khởi sắc - (Ảnh minh họa).

Kết thúc quý đầu năm, Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UpCOM: QNS) ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu thuần đạt hơn 2.522 tỷ đồng, tăng gần 18,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 532 tỷ đồng, tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, QNS đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 9.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 1.500 tỷ, giảm đáng kể so với kết quả thực hiện năm 2023. Kết thúc quý I/2024, doanh nghiệp đã hoàn thành 28% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận năm.

Động lực chính đến từ mảng đường với sản lượng tiêu thụ tăng 38%, giá thành sản xuất giảm, cùng với các biện pháp phòng vệ thương mại và kiểm soát tốt đường nhập lậu của Bộ Công thương.

Mảng đường đóng góp 48% doanh thu và 40% lợi nhuận gộp của QNS, tương ứng 1.124 tỷ đồng và 325 tỷ đồng, lần lượt tăng 51% và 94%. Biên lãi gộp mảng đường cải thiện 6 điểm phần trăm, lên 29%, giúp biên lãi gộp toàn Công ty nới rộng lên 32%, so với mức 28% của cùng kỳ năm trước.

Sử dụng niên độ tài chính niên vụ 2023-2024 từ ngày 01/7 kết thúc ngày 30/6 năm sau, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (HoSE: LSS) ghi nhận kết quả kinh doanh quý III cho năm tài chính 2023-2024 bội thu, với doanh thu đạt hơn 726 tỷ đồng, tăng gần 79% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 35,4 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 302% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2023-2024, LSS lãi trước thuế hơn 106 tỷ đồng, gấp hơn 5,5 lần cùng kỳ và hoàn thành đúng mục tiêu lợi nhuận năm, lãi ròng gấp 6 lần, đạt hơn 89 tỷ đồng, vượt xa kết quả lợi nhuận của 6 niên độ gần nhất kể từ 2017- 2018.

Tương tự, Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (HoSE: SBT) ghi nhận tăng trưởng 2 con số, ở mức 37%, đạt hơn 204 tỷ đồng. Biên lãi gộp là điểm sáng của doanh nghiệp khi cải thiện lên 13%, tăng hơn 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ, do sự chuyển dịch trong tỷ trọng cơ cấu sản phẩm - dần chuyển sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Công ty cho biết, trong quý III, kênh B2C tăng trưởng hơn 58%, kênh B2B tăng gần 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2023-2024, tổng sản lượng tiêu thụ của SBT đạt hơn 910.000 tấn, lãi trước thuế khoảng 682 tỷ đồng, tăng 17% và thực hiện được 80% kế hoạch năm. Lãi ròng tăng 18%, lên hơn 553 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2023-2024, ban lãnh đạo dự kiến tổng lượng đường tiêu thụ sẽ giảm nhẹ, nhưng đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu thị trường, kiểm soát chi phí và đảm bảo hiệu quả hoạt động. Do đó, SBT đặt kế hoạch doanh thu cả năm là 20.622 tỷ đồng, giảm 17% so với năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm của SBT là 850 tỷ đồng, tăng 18%. Điều này tương ứng với quan điểm của ban lãnh đạo về triển vọng tăng giá đường toàn cầu (và theo sau là giá đường trong nước), cùng với những lợi ích dự kiến từ các biện pháp tăng cường chống buôn lậu đường vào Việt Nam.

Trong khi đó, Công ty CP Mía đường Sơn La (HNX: SLS) ghi nhận doanh thu thuần quý III niên độ 2023-2024 đạt gần 242 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, biên lãi gộp quý này của SLS tăng 13 điểm phần trăm so với cùng kỳ niên độ trước, lên khoảng 41%, khiến lãi ròng của doanh nghiệp chỉ giảm 6%, xuống còn hơn 102 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu niên độ 2023-2024, SLS lãi ròng khoảng 291 tỷ đồng, giảm 2% và hơn gấp đôi kế hoạch năm 137 tỷ đồng. Trên thực tế, SLS đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra ngay từ 6 tháng đầu niên độ, bởi doanh nghiệp luôn giữ thói quen đặt kế hoạch kinh doanh rất thấp.

Báo cáo phân tích ngành đường do Kirin Capital vừa công bố dẫn lời ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, ngành Mía đường Việt Nam đã kết thúc giai đoạn trồng mới cho vụ đông xuân và vào vụ ép mía 2023-2024.

Theo báo cáo của các nhà máy đường còn hoạt động cho biết, dự kiến sản lượng niên vụ năm 2023 - 2024 sẽ gia tăng đáng kể so với niên vụ trước đó. Cụ thể, diện tích mía thu hoạch sẽ lên mức 159.159 ha (tăng 12% so với cùng kỳ), sản lượng mía chế biến lên đến hơn 10,9 triệu tấn (tăng 13% so với cùng kỳ), và sản lượng đường các loại sẽ tiến lên mốc trên 1 triệu tấn (tăng 10% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, VSSA cho biết trong 2 vụ mía trước đó là 2021-2022 và 2022-2023, cả diện tích và sản lượng mía đều đã tăng trở lại. Nguyên nhân của sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiêp là do giá mua mía nguyên liệu đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng lên, hiện nay đã lên đến mức 1,1 – 1,3 triệu đồng/tấn.

Mức giá tăng giúp đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho bà con nông dân, từ đó diện tích trồng mía không ngừng gia tăng trong hơn 2 năm qua, kể từ khi các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam áp dụng năm 2021 cho đến nay.

Trong khi đó, theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức 2,389 triệu tấn, nhưng sản lượng đường sản xuất trong nước đến nay chỉ đáp ứng được 43,03% so với thực tế. Chính vì vậy, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng áp thuế chống bán phá giá với đường mía tới từ Thái Lan, nước xuất khẩu chính vào Việt Nam, lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu vào nước ta đã có sự sụt giảm rõ rệt so với hai năm trước đó. Theo số liệu của AgroMonitor cung cấp, tính đến hết tháng 3/2024, lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu trong nước đạt mức 137,57 nghìn tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 43,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Kirin Capital, giá đường nhập khẩu vào Việt Nam có biên động tương đồng với giá đường trên thế giới khi có sự sụt giảm trong 3 tháng đầu năm 2024.

Nhận định về xu hướng giá đường thế giới, Kirin Capital cho rằng sẽ sớm có sự hồi phục. Cụ thể, giá đường thô và đường trắng trên thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể trong giai đoạn vừa qua kể từ khi tạo đỉnh vào tháng 11/2023.

Tính đến thời điểm hiện tại, hợp đồng tương lai giá đường tại Hoa Kỳ ghi nhận mức giá 19,19 Cent/Lbs, giảm 30,9% so với giai đoạn tạo đỉnh tại mức giá 27,77 Cent/Lbs. Đồng thời, giá hợp đồng đường trắng kỳ hạn gần nhất trên sàn ZCE trong những tháng vừa qua cũng quay đầu giảm. Hiện tại, giá đường kỳ hạn gần nhất trên sàn ZCE được giao dịch ở mức 6451 NDT/tấn.

Trước đó, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, trong ngắn hạn, giá đường thế giới không tác động trực tiếp đến giá đường trong nước, do đường nhập khẩu đang được giám sát chặt chẽ và tuân thủ chính sách chống bán phá giá, chống trợ cấp. Trong khi đó, Thái Lan đang phải chịu hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản lượng mía đường, dẫn đến việc xuất khẩu đường bị giám sát và suy giảm.

Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, nguồn cung đường trong nước niên vụ 2023-2024 sẽ tăng 10% và đường nhập khẩu sẽ giảm từ mức 2/3 trong niên vụ 2022-2023, xuống còn hơn một nửa trong niên vụ này.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành mía đường năm 2024: Triển vọng sản lượng sản xuất trong nước tích cực

    Ngành mía đường năm 2024: Triển vọng sản lượng sản xuất trong nước tích cực

    04:30, 09/01/2024

  • Giá cổ phiếu mía đường biến động theo giá đường thế giới

    Giá cổ phiếu mía đường biến động theo giá đường thế giới

    05:28, 25/08/2023

  • Năm 2023 cơ hội để mía đường “hồi sức”

    Năm 2023 cơ hội để mía đường “hồi sức”

    01:00, 07/01/2023

  • Năm 2023 - một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường

    Năm 2023 - một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường

    01:00, 25/11/2022

  • Cổ phiếu mía đường liệu còn “vị ngọt”?

    Cổ phiếu mía đường liệu còn “vị ngọt”?

    05:30, 11/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Vị ngọt" mía đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO