Hàng ngàn mét vuông đất tại khu vực Thung lũng hoa Hồ Tây được sử dụng sai mục đích trong thời gian dài, những công trình kiên cố xây dựng trái phép vẫn đang “sừng sững” thách thức pháp luật…
>>“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội: Vì sao lãnh đạo quận Tây Hồ im lặng?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, từ năm 2014, Thung lũng hoa Hồ Tây nổi lên như một nơi chụp ảnh check in “sống ảo” giữa lòng Thủ đô. Chủ đầu tư đã bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để biến đầm sen rộng lớn hoang sơ, vắng vẻ thành “thiên đường” của các loài hoa, thu hút người dân từ khắp mọi nơi kéo đến.
Không dừng lại ở đó, ngoài việc cung cấp các dịch vụ chụp ảnh, check in, chủ đầu tư còn xây dựng nhiều nhà hàng, quán ăn lớn nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi và ăn uống của khách du lịch với sức chứa vài trăm người. Trong khi đó, với không gian ngoài trời tại đây có thể chứa được khoảng hàng nghìn người, phục vụ cho các buổi tiệc, hội họp…
Theo báo cáo của UBND phường Nhật Tân, toàn bộ khu vực đất của Thung lũng hoa Hồ Tây trước đây là đất công, đất ao hồ trực tiếp do chính quyền địa phương quản lý. Năm 2011, sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội, khu vực này được giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền xây dựng triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền không sử dụng hết diện tích đất nên đã bàn giao lại cho UBND quận Tây Hồ. Đến năm 2014, ông Bùi Mạnh Hiếu (một người dân địa phương) đã tự ý quây phần diện tích đất này lại, đầu tư xây dựng Thung lũng hoa Hồ Tây và tổ chức hoạt động kinh doanh thu lời cho đến ngày nay. Cụ thể, gần 7000 m2 đất tại khu vực này là đất nông nghiệp đã bị sử dụng sai mục đích.
>>Quận Tây Hồ (Hà Nội): Bao giờ chấm dứt tình trạng “chiếm dụng” đất trái luật?
Thêm vào đó là toàn bộ các công trình xây dựng và quần thể kiến trúc ở Thung lũng hoa Hồ Tây với quy mô diện tích rộng hàng ngàn mét vuông này đều không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép đầu tư, xây dựng theo quy định. Nói cách khác hoạt động kinh doanh của Thung lũng hoa Hồ Tây nhiều năm qua là trái các quy định pháp luật.
Trả lời báo chí, một cán bộ phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) thừa nhận, do không sử dụng hết diện tích đất được giao, Công ty Phú Điền mới bàn giao lại khu vực Thung lũng hoa Hồ Tây hiện nay cho UBND quận Tây Hồ, rồi nơi đây được bàn giao cho UBND phường Nhật Tân quản lý. Tại thời điểm chính quyền sở tại tiếp quản, khu vực này đã được ông Bùi Mạnh Hiếu đầu tư, xây dựng thành một quần thể kiến trúc để kinh doanh dịch vụ.
Nhiều năm qua việc kinh doanh của Thung lũng hoa Hồ Tây rất phát triển và quảng cáo vô cùng rầm rộ như một địa chỉ kinh doanh hợp pháp. Tuy nhiên, theo vị cán bộ này, dù đã khai thác, sử dụng khu đất nói trên từ nhiều năm nay để phục vụ mục đích kinh doanh, nhưng chủ đầu tư của Thung lũng hoa Hồ Tây chưa nộp bất kỳ một khoản tiền thuế, phí nào về đất đai cho ngân sách Nhà nước.
Dư luận bức xúc cho rằng, vì sao Thung lũng hoa Hồ Tây - một công trình có quy mô vi phạm “khủng” như vậy lại ngang nhiên tồn tại suốt thời gian dài mà không hề bị xử lý? Vậy, trách nhiệm của lãnh đạo, chính quyền địa phương ở đâu? Chưa kể những nguồn thu, lợi nhuận từ việc kinh doanh trên khu đất công này sẽ được xử lý ra sao? Tiền chảy vào túi ai?
Cũng cần phải nói thêm, những năm qua, trên trên địa bàn phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan với diễn biến phức tạp, thậm chí đến nay vi phạm tại địa phương này vẫn đang là vấn đề nóng khiến dư luận hết sức quan ngại, bởi những vi phạm không chỉ ảnh hưởng tới giao thông, mỹ quan đô thị mà còn tạo ra những tiền lệ xấu cùng nhiều hệ lụy phức tạp.
Suốt thời gian dài, các cơ quan báo chí liên tục phản ánh từ tình trạng vi phạm về đê điều, lấn chiếm hành lang thoát lũ cho đến hàng loạt công trình vi phạm về số tầng, sai thiết kế, mật độ, kể cả nhà không số (xây dựng trên đất nông nghiệp - PV) làm mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch đô thị… Thế nhưng, những vi phạm vẫn ngang nhiên hiện hữu, thách thức pháp luật (!?).
Vì sao khi dư luận lên tiếng, báo đài đồng loạt phản ánh nhưng các cấp chính quyền quận Tây Hồ vẫn im lặng? Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, khi quả bóng trách nhiệm vẫn đang bị “đá xuôi, chuyền ngược”, khi lãnh đạo địa phương chỉ biết đổ lỗi cho lịch sử mà không quyết liệt xử lý thì đến bao giờ những vi phạm mới chấm dứt?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm