Là một cường quốc về công nghệ, nhưng nếu Ấn Độ chọn cách tiếp cận thực tế và linh hoạt với Tập đoàn Huawei thì quốc gia này sẽ có lợi hơn nhiều so với việc ngả theo làn sóng tẩy chay của Washington.
Theo đuổi chiến tranh lạnh công nghệ, chính quyền Trump đã khuyến cáo các quốc gia đồng minh nói riêng và thế giới nói chung không nên có những hoạt động hợp tác làm ăn với Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei Technologies, cũng như tránh các thiết bị mạng di động thế hệ thứ năm của Công ty này.
Tại châu Á, một số đối tác của Washington, đặc biệt là Nhật Bản và Australia, đã chịu khuất phục trước áp lực từ phía Mỹ. Nhưng cũng có một số quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore, Hàn Quốc thì lại có quan điểm cởi mở hơn, thậm chí Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ hãy chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng thời hạ thấp mối lo ngại về tập đoàn viễn thông Huawei Technologies.
Đứng giữa “cơn bão” mang tên Huawei, Ấn Độ - một cường quốc về công nghệ tại khu vực, lại chưa đưa ra một quan điểm rõ ràng nào về việc này.
Có thể bạn quan tâm
03:34, 23/05/2019
04:30, 23/06/2018
02:11, 31/01/2019
Mỹ vốn tuyên bố rằng việc cài đặt thiết bị Huawei trong các mạng quốc gia thể hiện mối đe dọa bảo mật. Nói cách khác, việc này có nguy cơ tạo ra một “đường hầm bí mật” cho phép các điệp viên của Bắc Kinh xâm nhập vào các hệ thống liên lạc của các quốc gia khác.
Nhưng cho đến nay, Washington chỉ đưa ra được các lập luận chung chung mà không có bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào về việc Huawei vi phạm quyền riêng tư hoặc vi phạm an ninh quốc gia.
Bà Andrea L. Thompson - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Việc Huawei luôn có giá bỏ thầu thấp nhất là có lí do của nó: Doanh nghiệp này được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Nếu tham rẻ thì tức là nước bạn đã đẩy mạng viễn thông của mình vào vòng nguy hiểm".
Đến nay, nhiều nước châu Á – trong đó có Ấn Độ vẫn chưa bị thuyết phục bởi lập luận này của Mỹ. Theo lập luận từ phía Huawei, động thái “cô lập” Tập đoàn này của chính quyền Tổng thống Trump đang khiến cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thêm căng thẳng, và làm phức tạp hóa khả năng chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Phía Huawei khẳng định: "Mỹ đã vi phạm các quy tắc của WTO bằng cách tiến hành chống lại Huawei”. Trong khi đó, Ấn Độ được biết đến với tư cách là một quốc gia có một lịch sử rất nhiều năm luôn ủng hộ các tổ chức đa quốc gia. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, New Delhi không nên vì mối quan hệ song phương với Mỹ mà quay lưng với các giá trị đa phương và công bằng mà WTO luôn theo đuổi.
Hơn nữa, có những lý do đặc biệt về kinh tế khiến Ấn Độ không thể “làm ngơ” Huawei nếu họ muốn mạng viễn thông khổng lồ của mình tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các ông lớn ngành viễn thông của quốc gia Nam Á này như Bharti Airtel và Vodafone Idea không thể quay lưng với Huawei khi họ có kế hoạch cung cấp dịch vụ di động 5G với giá cạnh tranh cho khách hàng. Mặc dù là một quốc gia với nền kinh tế lớn trên thế giới, nhưng Ấn Độ vẫn còn hàng triệu người nghèo, thậm chí dưới mức nghèo khổ.
Mạng di động 5G được báo cáo là nhanh hơn mười lần so với công nghệ 4G hiện tại. 5G được thiết lập để mở đường cho việc áp dụng rộng rãi internet khi nhiều máy móc và thiết bị được kết nối với web. Mạng di động 5G cũng được kỳ vọng sẽ được ứng dụng rộng rãi trong việc cải thiện hệ thống giáo dục hay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thiết bị mạng 5G của Huawei không chỉ tiên tiến, nó còn rẻ hơn 10-15% so với các thiết bị của Nokia và Ericsson. Hơn thế nữa, Tập đoàn này của Trung Quốc còn cung cấp các điều khoản thanh toán hấp dẫn, bao gồm các phương thức thanh toán trả chậm với chi phí thấp.
Bên cạnh đó, trung tâm R&D của Huawei tại Bangalore là cơ sở R&D ở nước ngoài lớn nhất của Tập đoàn này. Hiện tại, trung tâm này đang sử dụng khoảng 5.000 kỹ sư Ấn Độ, trong khi lao động trong toàn ngành công nghiệp viễn thông của Ấn Độ là khoảng 4 triệu người.
Tại Ấn Độ, chính phủ của ông Modi đang phải đối mặt với sự thiếu hụt thuế và áp lực để kiềm chế thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Và, một cuộc chiến khốc liệt về giá trong lĩnh vực công nghệ sẽ xảy ra khi tỷ phú Mukesh Ambani và công ty Reliu Jio của ông vào cuộc trong phiên đấu giá cung cấp thiết bị 5G tới đây của Ấn Độ. Rõ ràng, ông Modi sẽ chẳng dại gì khi “cấm cửa” Huawei để tạo thế độc quyền cho Công ty Reliu Jio.
Một yếu tố khác khiến chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ không tuân thủ theo khuyến cáo của Washington, khi mà ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đã chấm dứt các ưu đãi thương mại đối với hàng hóa Ấn Độ được vận chuyển đến Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump còn yêu cầu Ấn Độ ngừng mua dầu của Iran, từ chối các đề nghị của Nga để cung cấp cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph công nghệ cao, cũng như tránh xa hiệp định thương mại châu Á-Thái Bình Dương 16 thành viên - Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Về cơ bản, với sự bảo hộ của Hoa Kỳ và EU đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm lại và mớ hỗn độn Brexit, Ấn Độ không thể đủ khả năng đóng cửa kinh tế đối với Trung Quốc- nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này đặc biệt đúng khi nền kinh tế của Ấn Độ đang chậm lại.
Rõ ràng ngay cả các đồng minh thân cận cũng không chia sẻ mức độ quan tâm về an ninh của Huawei như chính quyền Trump. Các quốc gia này nghi ngờ rằng động cơ “cấm cửa” Huawei của Mỹ có lẽ liên quan nhiều đến cuộc chiến thương mại và cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc hơn là những cáo buộc về an ninh công nghệ kiểu cũ. Và các quốc gia này - trong đó có Ấn Độ không muốn hai vấn đề lẫn lộn.