"Lợi thế của việc kinh doanh dựa vào nền tảng có sẵn là tăng trưởng rất nhanh, nhưng buộc phải tuân thủ luật chơi của các nhà tạo lập sân chơi đó".
Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán đến nay.
Theo Yeah1, vụ việc khởi phát từ thông tin YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.
Điều này dẫn tới việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của mạng đa kênh này. Đồng thời, 2 mạng đa kênh khác thuộc Yeah1 cũng chịu liên đới với chính sách tương tự là Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
Trong thông báo gửi Zing.vn, YouTube không nói rõ khởi phát từ việc vi phạm là nền tảng nào, nhưng cho biết các vi phạm của Yeah1 là "nghiêm trọng và lặp lại".
Cổ phiếu doanh nghiệp này không chỉ rơi xuống vùng giá thấp nhất lịch sử với ít nhất 10 phiên giá sàn liên tiếp mà hàng nghìn tỷ vốn hóa cũng đã bị "thổi bay" bởi sự cố lần này.
Nguồn: VNDirect.
SpringMe bắt đầu với khoản đầu tư chỉ gần 116 triệu đồng cách đây 2 năm. Năm 2017, tập đoàn này Yeah1 chi gần 116 triệu đồng để đổi lấy 16,93% vốn sở hữu và 19% tỷ lệ biểu quyết SpringMe.
Không có thông tin về giá trị hợp lý của khoản đầu tư này do SpringMe chưa niêm yết, nhưng ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT tin rằng giá trị hợp lý của SpringMe cao hơn giá trị sổ sách rất nhiều.
Có thể bạn quan tâm
13:15, 16/03/2019
14:30, 09/03/2019
11:01, 15/03/2019
11:01, 12/03/2019
12:01, 12/07/2018
11:10, 29/06/2018
Cùng với việc SpringMe tăng vốn trong năm 2018, giá trị ghi sổ của khoản đầu tư mà Yeah1 rót vào đây cũng tăng lên mức 7,7 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu và tỷ lệ quyền biểu quyết không thay đổi. Như vậy, SpringMe trong năm 2018 đã tăng vốn gấp 66 lần từ mức 685 triệu đồng (2017) lên gần 46 tỷ đồng.
Theo lý giải của Yeah1, khoản đầu tư gián tiếp này là nguyên nhân khiến 2 mạng đa kênh lớn cho Yeah1 sở hữu cũng bị áp chính sách tương tự từ YouTube, bao gồm ScaleLab, công ty đóng góp tới 2/3 lượng người dùng mà Yeah1 mới tuyên bố chi tới 20 triệu USD mua về đầu năm 2019.
Ngay sau thông tin này, cổ phiếu của Yeah1 trên sàn chứng khoán đã giảm sàn 10 phiên liên tiếp tính đến nay. Từ mức giá 245.000 đồng (ngày 1/3), hiện tại còn 118.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa tập đoàn này cũng đã bốc hơi gần 4.000 tỷ đồng so với hai tuần trước. Số lượng cổ phiếu dư bán với giá sàn còn tới hơn 2 triệu.
Giữa tháng 1, Yeah1 còn công bố hoàn tất thương vụ mua lại 100% cổ phần ScaleLab LLC, giúp một bước vào top 10 publishing lớn nhất thế giới, thì đến đầu tháng 3, tập đoàn đã phải vội vã bán lại để thu hồi khoản đầu tư 12 triệu USD tại đây.
“Đây chỉ là bước đầu của quá trình điều tra vi phạm từ phía YouTube, nếu họ phát hiện sai phạm tại Yeah1 Network và ScaleLab thì chắc chắn hệ thống MCN của Yeah1 sẽ bị xử phạt. Còn trong trường hợp không có sai phạm như lãnh đạo Yeah1 cam kết, YouTube sẽ tiếp tục nối lại thỏa thuận với nhà cung cấp này”, một chuyên gia trong lĩnh vực Adsense cho biết.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác nói với Zing.vn rằng quyết định chấm dứt hợp tác của YouTube với Yeah1 đã là quyết định cuối cùng, được đưa ra bởi trụ sở chính tại Mỹ. Lý do như YouTube thông báo, việc vi phạm này "nghiêm trọng và lặp lại".
Lý giải về cổ phiếu giảm sàn 10 phiên liên tiếp của Yeah, ông Nguyễn Tiến Huy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DigiPencil, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực digital marketing nhận định nguyên nhân mằm ở việc truyền thông định vị doanh nghiệp của Yeah1.
Ngoài mảng MCN, Yeah1 còn có những mảng phát triển nội dung khác như kênh truyền hình, điện ảnh, hệ thống các fanpage truyền thông... Nhưng Yeah1 dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực MCN nên thường nhắc đến mảng này khi truyền thông về doanh nghiệp.
“Là công ty đại chúng, có lẽ Yeah1 chọn truyền thông về mảng MCN, là mảng có tỷ trọng doanh thu cao nhất và khả năng tăng trưởng nhanh nhất để định vị mình... Ngay khi mảng này có vấn đề thì ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu là điều dễ hiểu”, ông Huy lý giải.
Trong khi đó, các chuyên gia tài chính - chứng khoán thì nhận định vấn đề nằm sâu hơn, ở mô hình phát triển thiếu bền vững của Yeah1 và việc cổ phiếu thổi giá quá mức trước đó.
Ông Hà Uyên Việt, chuyên gia phân tích với 5 năm kinh nghiệm phía mua của một quỹ đầu tư tại Hà Nội, đồng thời là nhà đầu tư theo trường phái giá trị, cho rằng việc YouTube làm giảm giá trị của cổ phiếu YEG "mở ra sự thiếu ổn định trong hoạt động của Yeah1”.
4 năm trước, trong năm tài chính 2015, Yeah1 từng kêu gọi vốn với 3 trụ cột kinh doanh chính: truyền thông (phim ảnh, quảng cáo, MCN), cổng thanh toán điện tử (WebMoney - có nguồn gốc từ Nga), và thương mại dịch vụ (phát triển mảng bất động sản cho giới trẻ), trong đó cổng thanh toán được kỳ vọng đóng góp 70% doanh số.
Thực tế, theo ông Việt, "Yeah1 đi trật đường ray", khi nhân tố chủ lực mang lại nguồn thu lại từ quảng cáo trực tuyến, chiếm gần 60%, theo báo cáo tài chính của công ty. Hai năm sau đó, Yeah1 lại công bố một chiến lược hoàn toàn khác, không nhất quán.
YEG từng phát triển phần mềm Kash - một nền tảng kết nối KOL và các nhà quảng cáo, thế nhưng lại thất bại.
Ngay cả việc YEG mua lại công ty thiên về mảng công nghệ Netlink, cũng chỉ là "động thái nhằm tăng tỷ trọng “công nghệ” bởi doanh nghiệp chưa tự xây dựng được một đội ngũ in-house để phát triển nền tảng này, cải thiện mảng công nghệ của mình.
Thế mạnh của YEG vẫn là phát triển nội dung và các phần về truyền thông, giải trí hơn là về các hoạt động liên quan đến công nghệ, theo ông Việt.
Trước đó, các nhà đầu tư quyết định mua vào cổ phiếu với giá cao nghĩa là mua niềm tin tương lai với kỳ vọng vào ngành tăng trưởng nhanh và mạnh. Trong khi đó, báo cáo của HSC cho thấy với kịch bản xấu nhất, Yeah1 có thể mất tới 83% lợi nhuận.
Các chuyên gia tài chính - chứng khoán chung nhận định rằng cổ phiếu Yeah1 khi lần sàn đã bị thổi giá quá mức, nên một quyết định của YouTube đủ khiến nó trở về giá trị thực.
Phân tích về việc các doanh nghiệp như Yeah1 hoạt động gắn với nền tảng lớn, có sẵn trên thế giới (như YouTube, Google, Facebook…), ông Huy cho biết ưu điểm chính là khả năng tăng trưởng nhanh vì được "đứng trên vai người khổng lồ".
"Tuy nhiên, tập trung làm việc với các nền tảng quốc tế, buộc doanh nghiệp Việt phải tuân theo luật của họ và trong mọi luật chơi đều ghi rằng quyết định cuối cùng thuộc về nhà tổ chức sân chơi. Đó là nhược điểm", ông Huy cho hay.
Các network như Yeah1 sinh ra với nhiệm vụ thay YouTube kiểm duyệt nội dung, quản lý hoạt động của các kênh. Với những chủ kênh YouTube, network như Yeah1 có vai trò như một người bảo vệ, nâng đỡ, giải quyết các khiếu nại về bản quyền, được hỗ trợ phân phối trên nhiều nền tảng, sử dụng kho bản quyền chung... Đổi lại, cái giá mà chủ kênh phải trả cho network là 10-40% lợi nhuận.
Trong khi đó, theo cộng đồng người làm YouTube tại Việt Nam, Yeah1 đã thu nạp kênh có nội dung chất lượng thấp vào mạng lưới để qua mặt YouTube rồi "đá" đi, tiếp tay cho hàng nghìn kênh YouTube kiếm tiền bất chính. Hệ thống này cung cấp dịch vụ "bật kiếm tiền" cho các kênh YouTube mới thành lập, muốn đi lên nhanh bằng nội dung kém chất lượng hoặc giật gân.
Theo ông Huy, một phần cuộc khủng hoảng của Yeah1 cũng đến từ việc các công ty công nghệ khổng lồ đều đang bị áp lực về vấn đề an toàn thông tin.
Trong khi Facebook phải điều trần về bảo mật thông tin cá nhân, thì YouTube chịu sức ép về nguy cơ nội dung không an toàn. Một loạt các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tẩy chay YouTube vì những nội dung xấu độc, làm ảnh hưởng đến thương hiệu của họ. Thậm chí có doanh nghiệp hơn 2 năm qua đã cắt toàn bộ quảng cáo YouTube khi mà vừa bắt đầu mở quảng cáo trở lại thì gặp ngay sự cố video YouTube có yếu tố ấu dâm.
Vấn đề này ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, nên họ (YouTube - PV) cần phải hành động mạnh mẽ, đặc biệt với các đối tác của mình như Yeah1, đơn vị vi phạm "nghiêm trọng và lặp lại".
Nguồn: BCTC Yeah1 2018
Về việc, Yeah1 vội vã bán đi ScaleLab, ông Huy cho rằng động thái này như một lời khẳng định thái độ của MCN đối với vi phạm của mình. Cao hơn là nhằm mục đích xây dựng lại niềm tin đối với nền tảng YouTube và cộng đồng nhà đầu tư.
Một chuyên gia đề nghị giấu tên thì cho rằng Yeah1 chưa chịu xử lý căn nguyên gốc, là vấn đề quản lý chất lượng nội dung. Việc bán ScaleLab mà chỉ đang tìm cách "tự cứu", như chính thông cáo họ đưa ra, "để bảo toàn lợi ích".
Việc bán đứt ScaleLab giúp mạng đa kênh này thoát khỏi liên đới trước đóvới SpringMe.
“Bài học quan trọng ở đây không chỉ là trách nhiệm quản lý các kênh nội dung số của MCN như Yeah1 cam kết với YouTube, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng mạng nói chung. Để đảm bảo cho một không gian mạng an toàn, đặc biệt là cho trẻ em”, ông Huy nhấn mạnh.
Sau khi sự cố với YouTube diễn ra, ban lãnh đạo Yeah1 cho biết đã làm việc với YouTube và sẽ cập nhật thông tin kết quả làm việc muộn nhất vào ngày 11/3. Tuy nhiên, đến nay, Yeah1 chưa công bố thông tin liên quan tới kết quả làm việc với YouTube. Nguồn tin cho biết Yeah1 đã thất bại trong các cuộc đàm phán này. Đến sáng ngày 14/3, danh sách kênh thuộc network của Yeah1 chỉ còn hơn 600 kênh, giảm gần 1.000 kênh so với thời điểm đầu tháng 3, theo số liệu trên trang thống kê Kedoo. Điều này cho thấy các kênh hoặc đã bị đá khỏi hệ thống Yeah1 Network, hoặc đã được "chuyển nhượng" sang network mới. Trong khi các lãnh đạo và cổ đông doanh nghiệp đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu, nhưng YEG vẫn liên tục giảm sàn suốt 10 phiên giao dịch gần nhất. Hiện vẫn còn hơn 2,2 triệu cổ phiếu (hơn 7% vốn cổ phần) đang bị rao bán ở mức giá 118.800 đồng/cổ phiếu. |