Vì sao CII liên tục lách luật huy động vốn khủng từ trái phiếu?

ĐÌNH ĐẠI 24/09/2020 04:40

Hành trình phát triển các dự án đầu tư hạ tầng của Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) tiếp tục ghi nhận thêm mục tiêu huy động vốn từ trái phiếu.

Huy động vốn khủng từ trái phiếu

CII vừa thông báo đã nhận giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trái phiếu doanh nghiệp đang là một kêu huy động vốn hiệu quả đối với các doanh nghiệp.

CII huy động trái phiếu để thực hiện một số dự án, trong đó có Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội

Theo đó, CII đã đăng ký chào bán 1.194 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản bảo đảm và không kèm chứng quyền. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 11%/năm.

Mục tiêu huy động vốn của CII là thanh toán nợ trái phiếu, gốc vay VPBank, hợp tác đầu tư các dự án như khu nhà ở chung cư hỗn hợp tại lô 3.2 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giai đoạn 1, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội.

Việc phát hành trái phiếu này được thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CII. Theo đó, nếu số tiền thu từ đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng này thấp hơn 800 tỷ đồng, thì CII sẽ thực hiện chào bán riêng lẻ kèm chứng quyền trị giá 1.600 tỷ đồng cho các nhà đầu tư quan tâm là các quỹ, ngân hàng và nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp thông báo họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 để chuyển phương án chào bán riêng lẻ 1.600 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền phát hành ra công chúng do Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9, siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Lý giải về việc chuyển đổi này, lãnh đạo CII cho biết, do Nghị định 81/2020/NĐ-CP không quy định rõ mỗi đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ phải cách nhau 6 tháng là tính từ ngày 1/9 trở đi hay tính từ đợt phát hành sau cùng. Vì vậy, nếu tính từ ngày 1/9 trở đi thì tháng 10, CII đã có thể phát hành đợt trái phiếu tiếp theo.

Còn nếu tính từ đợt phát hành cuối cùng thì phải đến tháng 2/2021, CII mới được huy động tiếp do doanh nghiệp vừa phát hành xong đợt trái phiếu riêng lẻ 600 tỷ đồng trong tháng 8 vừa qua. Do đó, CII xin chuyển đổi để đảm bảo kế hoạch của công ty vẫn đúng tiến độ. 

CII có "lách luật"?

Đây có thể cũng là một cách “lách luật” khôn ngoan của CII mà khi doanh nghiệp này tiên phong đi đầu, nhưng không bị cơ quan quản lý thị trường “có ý kiến”, thì sẽ được các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tới đây cũng linh hoạt áp dụng. Theo đó, việc siết trái phiếu chào bán riêng lẻ với quy định thời hạn 6 tháng sẽ giảm bớt hiệu lực trên thị trường.

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CII

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CII

Theo bản cáo bạch huy động trái phiếu, tính đến ngày 30/6/2020, công nợ CII phải thu ở mức 7.334,5 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 22.212 tỷ đồng. Trong đó, dự nợ vay 15.384,5 tỷ đồng (vay dài hạn chiếm hơn 10.841 tỷ đồng), chiếm một nửa tài sản và gấp 1,8 lần vốn chủ sở hữu. Riêng trái phiếu, CII ghi nhận 4.726 tỷ đồng dư nợ trái phiếu vay dài hạn và 1.860 tỷ đồng dư nợ trái phiếu phải trả trong 12 tháng tới.

Năm 2020, ban lãnh đạo CII cho biết dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến khả năng huy động vốn của nhiều doanh nghiệp, trong đó có CII. Nguồn tín dụng trong nước cũng bị siết chặt nhằm giảm thiểu khả năng nợ xấu phát sinh do dịch bệnh, cũng như ưu tiên hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước bối cảnh này, CII nhấn mạnh cần một phương án huy động vốn mới hấp dẫn hơn với nhà đầu tư và phù hợp với lợi ích cổ đông, cũng như nhu cầu vốn cho các dự án dở dang của Công ty. Phát hành riêng lẻ trái phiếu kèm chứng quyền – loại hình không mới đối với các doanh nghiệp địa ốc, tiếp tục là “bài tẩy” của CII.

Ghi nhận tính từ đầu năm đến nay, CII đã huy động được 3.830 tỷ đồng từ thị trường trái phiếu. Đợt phát hành gần nhất là vào ngày 27/8 với giá trị huy động được là 550 tỷ đồng (kế hoạch huy động tối đa là 600 tỷ đồng). Hầu hết các lô trái phiếu CII huy động trong năm nay có lãi suất 11%/năm. Nếu phát hành thành công lượng trái phiếu nói trên, CII sẽ huy động hơn 5.000 tỷ đồng bằng tài sản giấy tờ có giá này và vẫn là nhà phát triển hạ tầng, BOT đình đám trên vốn nợ có tỷ trọng không nhỏ là trái phiếu.

Có thể bạn quan tâm

  • Sức ép huy động vốn ở CII

    Sức ép huy động vốn ở CII

    11:02, 23/09/2020

  • "Giấc mộng holdings" của CII

    04:59, 23/02/2019

  • "Chạy nước rút" phát hành trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 21/09/2020

  • Hoàn thiện chính sách, giảm thiểu rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Hoàn thiện chính sách, giảm thiểu rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    01:39, 20/09/2020

  • Rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

    Rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

    11:30, 17/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao CII liên tục lách luật huy động vốn khủng từ trái phiếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO