Từ doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, đi theo phát triển hạ tầng, rồi lấn sang địa ốc, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) có vẻ đang từng bước hiện thực hóa “giấc mộng holdings”.
CII là một trong những doanh nghiệp hạ tầng lớn với nhiều dự án BT, BOT của khu vực phía Nam. Những chuyển động tại doanh nghiệp này khiến nhiều nhà đầu tư đang nhìn vào và đặt khá nhiều câu hỏi khác nhau.
Tân Tam Mã và chuyện bán, mua cổ phiếu CII
Ngay từ năm 2016, các cổ đông nhỏ của CII đã rất quan tâm đến Cty Đầu tư Tân Tam Mã- Cty tham gia mua cổ phiếu CII và tính đến nay, quá trình mua bán-nắm giữ khá trường kỳ.
Tính đến cuối tháng 11/2018, Tân Tam Mã đang nắm khoảng hơn 9,7 triệu cổ phiếu CII, tương đương tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này đạt 3,19%. Trước đó, có những thời điểm Tân Tam Mã nắm giữ gần 7% cổ phiếu CII.
Tân Tam Mã được biết là Cty có cùng Chủ tịch HĐQT tại CII là ông Lê Vũ Hoàng. Ông Lê Quốc Bình -TGĐ CII, từng khẳng định đây là Cty của cán bộ công nhân viên CII nhưng không liên quan đến tham gia góp vốn đầu tư như một thành viên hay liên doanh liên kết. Tuy nhiên, chính vì có chung Chủ tịch HĐQT, Tân Tam Mã đã có nhiều lần đăng ký mua và bán cổ phiếu CII, luôn được nhà đầu tư “nhìn” vào như một trong những tổ chức đầu tư mang “bóng dáng” sân sau của lãnh đạo doanh nghiệp.
207 tỷ đồng là tổng số lợi nhuận sau thuế của CII trong năm 2018, giảm hơn 87% so với năm 2017.
Điều này cũng có nguyên do bởi trên giấy tờ, tuy ông Hoàng cũng chỉ nắm 0,835% tính trên tổng số 244.713.403 cổ phiếu CII đang lưu hành (tại 26/11/2018 khi Tân Tam Mã đăng ký mua thêm 2 triệu cổ phiếu CII), nhưng nhóm cổ đông chính của Tân Tam Mã còn bao gồm cả ông Lê Quốc Bình và bà Nguyễn Mai Bảo Trâm – Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ CII… Với các “chóp bu” doanh nghiệp tham gia lập Cty không liên quan để mua bán cổ phiếu CII, tuy không nhiều nhưng vẫn còn tiếp tục, thì rất khó có thể loại trừ suy nghĩ về chiến lược có hay không chuyện “mua tay trái, bán tay phải” CII.
Trước chất vấn của cổ đông và nhà đầu tư, cá nhân ông Bình từng đưa cam kết rằng sẽ không mua bán cổ phiếu CII để gây nhiễu loạn thông tin về giá cổ phiếu này. Tuy nhiên, ông Bình không mua, các lãnh đạo CII có thể không mua, nhưng có thể vẫn góp vốn và tiếp tục qua Tân Tam Mã để bán mua cổ phiếu CII.
Đường lên đời chủ đầu tư địa ốc
Cuối năm 2017, CII có cấu trúc doanh thu tập trung lớn vẫn là xây dựng và thu phí đường bộ với tỷ trọng chiếm lần lượt 43 và 37%; thu từ bất động sản (BĐS) chỉ chiếm 1%. Tuy nhiên, bức tranh này đã và đang thay đổi, CII đang tăng dần tỷ trọng thu từ BĐS.
CII vừa công bố BCTC quý IV/2018 với kết quả thay đổi khá bất ngờ so với những con số ảm đạm của 3 quý trước đó. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận giảm so với cùng kỳ 2017 và chưa đạt chỉ tiêu kinh doanh ĐHĐCĐ giao đầu năm, song CII đã ghi nhận tăng trưởng doanh thu thuần tới 33% so với 2017, do nguồn thu BĐS đóng góp 1.306 tỷ đồng.
Kinh doanh BĐS trở thành hoạt động chính khiến CII chịu thuế cao, không được hưởng thuế ưu đãi đầu tư thu phí hạ tầng với BT, BOT và BOO, khiến lợi nhuận của CII giảm đáng kể.
Dù vậy, con đường để đi đến giấc mộng holdings của CII có vẻ đang ở rất gần khi bên cạnh việc sở hữu tới 44% cổ phần của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB)- một doanh nghiệp có quỹ đất khá lớn trên địa bàn, CII cũng gắn tên tuổi với hàng loạt địa ốc khủng như The Riverin, Thủ Thiêm River Park, Thủ Thiêm Lake View, Marina Bay Thủ Thiêm... mà nhiều dự án đến từ hợp đồng đầu tư BT.
Xây giấc mộng holdings, CII từng công bố việc thành lập CII Land trên cơ sở tái cấu trúc Cty TNHH MTV Địa ốc Lữ Gia và chuyển giao việc phát triển dự án BĐS cho đơn vị này. Song vì một lý do nào đó, CII mới đây lại công bố việc hoãn lập CII Land. Kế hoạch này sẽ được xem xét đến khi có các yếu tố mới hơn trong tương lai.
Giới chuyên môn dự đoán, việc chuyển giao với Địa ốc Lữ Gia có thể sẽ không xảy ra và từ 44%, CII sẽ thúc đẩy tăng tỷ lệ sở hữu tại NBB. Khi hoàn tất thay máu, NBB sẽ thay đổi thương hiệu.
Chưa biết điều này có xảy ra hay không, nhưng rõ ràng ngoài các dự án một phần đến từ BT mà có, CII đang có lợi thế lớn để phát huy và tận dụng mắt xích holdings, trong chuỗi khép kín với “lõi” đầu tư địa ốc. Phía NBB, từng được “cứu” bởi Creed Nhật Bản, vẫn lao đao trong năm 2018 với vụ cháy chung cư Carina và đang chờ đợi thể hiện bước ngoặt mới nếu về tay CII.
BT và địa ốc: Thời nào cũng… lợi Nếu chỉ kể trong nhóm lớn xây dựng, hạ tầng, địa ốc, thị trường niêm yết đang là miền đất sinh sôi của nhiều doanh nghiệp đi từ BT để phát triển mảng BĐS, hoặc ngược lại từ mảng BĐS, lấn sang hạ tầng để có cơ hội mở rộng quỹ đất, làm chủ dự án địa ốc. Ngoài CII, có thể kể đến CTCP Phát triển Phát Đạt (PDR), CTCP Đạt Phương (DPG), Bambo Capital (BCG, qua Cty thành viên), LCG (Licogi 16), CTCP Vạn Phát Hưng (VPH)…và rất nhiều doanh nghiệp khác. Rủi ro cho các doanh nghiệp đi theo con đường này, được đánh giá thông thường là yếu tố chính sách. Trong trường hợp thay đổi chính sách hoặc tiến độ thanh toán bằng đất, khả năng rủi ro sẽ xảy ra. Ngoài ra, nhiều đợt thanh tra các sai phạm đầu tư BOT thời gian gần đây cũng mang đến rủi ro và lo lắng cho doanh nghiệp lẫn các nhà đầu tư, cổ đông. Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia đầu tư cho rằng trong trường hợp không nắm chắc thông tin về doanh nghiệp có hoạt động phụ thuộc chính các dự án BT, BOT…, cẩn trọng rủi ro với những thông tin tiêu cực ngắn hạn là cần thiết. Nhưng nhìn chung, xét trong về quá khứ, phần lớn các doanh nghiệp có cơ hội tham gia đầu tư BT theo đấu thầu hay chỉ định, đều có những lợi ích đạt được về cả việc ổn định, cố định dòng tiền khấu hao vốn và chi phí đầu tư qua thu phí theo năm, cộng thêm lợi ích hữu hiệu và giá trị cao khi giá tài sản công được quy đổi, thanh toán thường thấp hơn với biên độ chênh lệch lớn so với giá thị trường. |