Trong khi giá cổ phiếu các công ty bất động sản (BĐS) công nghiệp khác luôn lập đỉnh, thì giá cổ phiếu KBC của Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) lại kém hấp dẫn.
KBC là một trong những “ông lớn” trong ngành kinh doanh BĐS công nghiệp, sở hữu nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn ở các tỉnh, thành phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng với các KCN điển hình, như: Quang Châu, Quế Võ, Tràng Duệ… Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại có chiều hướng hoạt động kém hiệu quả.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 năm 2020, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của KBC đạt gần 172 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là 1.070 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của KBC chỉ đạt 14,9 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm 2019. Theo giải trình của KBC, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên doanh thu bán hàng của doanh nghiệp này bị suy giảm mạnh.
Phân tích chi tiết báo cáo tài chính cho thấy rằng, chất lượng tài chính của KBC yếu, trong khi các doanh nghiệp BĐS KCN phía Nam có nguồn tiền mặt lớn do nhận được doanh thu trả trước của các đơn vị thuê KCN và gần như không có vay nợ tài chính. Với KBC, tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn hơn 2.000 tỷ chiếm 11,8% tổng tài sản. Bên cạnh đó, KBC còn một khoản phải trả, phải nộp khác cũng rất lớn, tương đương khoản tổng vay nợ hơn 2.018 tỷ đồng. Ngoài ra, do liên tục triển khai các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn, KBC luôn phải tìm cách huy động vốn như vay ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là áp lực lớn nếu KBC không duy trì được nguồn doanh thu trang trải.
Kết quả kinh doanh quý 2 giảm mạnh và sử dụng đòn bẩy tài chính cao chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu KBC từ cuối quý 2 đến nay liên tục suy giảm, trái ngược hoàn toàn với sóng tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS công nghiệp phía Nam.
Tuy nhiên trong tương lai gần, KBC vẫn có những sức hấp dẫn nhất định. Bởi làn sóng FDI dịch chuyển mạnh vào Việt Nam được dự báo ngày càng tăng cao, trong khi KBC hiện đang sở hữu nhiều KCN phù hợp với các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Hơn nữa, KBC có lợi thế là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong phát triển BĐS KCN và quỹ đất đủ rộng để đón các nhà đầu tư FDI lớn.
Tính đến hết quý 2 năm 2020, KBC vẫn còn hàng tồn kho lớn chiếm tỷ trọng 42% tổng tài sản của doanh nghiệp, đó là các dự án KCN và khu đô thị đang được triển khai, phần lớn ở các tỉnh, thành phía Bắc. Các KCN, khu đô thị này đã được KBC triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng nên có thể triển khai xây dựng nhà xưởng được luôn. Trong đó, khu đô thị Tràng Duệ và Phúc Ninh vẫn đang được khai thác thương mại. KCN Tân Phú Trung đã hoàn thiện và sẵn sàng cho thuê. Đó là cơ sở để KBC tăng doanh thu trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm