Đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên có liên quan đến việc Đà Nẵng thiếu nước trầm trọng thời gian mới đây. Tại phiên họp thường kỳ HĐND TP Đà Nẵng tháng 11/2018 vấn đề này đã được mang ra thảo luận.
Giải trình của UBND thành phố cho biết, ngày 13/11/2018, UBND đã có Công văn số 8798/UBND-QLĐTư chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố về tình trạng thiếu nước sạch trên địa bàn thành phố, trong đó có Báo cáo tổng thể tình hình triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên và các nhà máy nước khác trên địa bàn thành phố, để hoàn thành, báo cáo UBND thành phố để báo cáo lên Thường trực Thành ủy trước ngày 20/11/2018.
Đối với việc rà soát và nâng cấp hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, ngày 12/11, UBND thành phố đã có Công văn số 8759/UBND-QLĐTư thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng tách khối lượng các tuyến ống cấp nước chính cấp bách thuộc dự án Mở rộng hệ thống cấp nước Đà Nẵng giai đoạn 2012 - 2018 để triển khai đầu tư trước, đảm bảo cấp nước kịp thời cho khu vực các quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn.
Hiện nay, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng Dawaco đang triển khai các thủ tục tiếp theo theo quy định.
UBND cũng đang chỉ đạo các ngành xây dựng, kế hoạch đầu tư, nông nghiệp phát triển nông thôn phối hợp với Công ty cấp nước nghiên cứu toàn diện các vấn đề liên quan đến nguồn nước, nhà máy, mạng lưới phục vụ đầu tư xây dựng giai đoạn 2 nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ và nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ, đập tràn trên sông Cu Đê để báo cáo Thường trực Thành ủy và Thường trực HĐND.
Đặc biệt, tại phiên họp này, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã cho biết, nguyên nhân thành phố không nhận nguồn vốn vay từ các nhà đầu tư nước ngoài cho dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên là bởi “thời gian thi công kéo dài và giá thành nước thành phẩm cao hơn nhiều so với giá hiện nay người dân đang sử dụng”.
Vì vậy, dự án được giao cho đơn vị trong nước triển khai với sự thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, và hiện nay công ty Cấp nước Đà Nẵng đang triển khai dự án.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Đà Nẵng cũng cho biết thành phố đang nghiên cứu các phương án đầu tư, như đầu tư bằng nguồn ngân sách, đầu tư thông qua Quỹ đầu tư phát triển thành phố… nhằm lựa chọn phương án tối ưu nhất cho dự án Nhà máy nước Hòa Liên.
Có thể bạn quan tâm
01:28, 14/11/2018
06:47, 13/11/2018
14:55, 04/11/2018
11:35, 20/11/2018
12:00, 20/11/2018
Ông Huỳnh Đức Thơ nói, thành phố đang nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng thiếu nước sạch và nước nhiễm mặn như tăng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ, điều phối thủy điện A Vương để đẩy mặn, tăng công suất các nhà máy nước nhỏ trên toàn thành phố.
Trước đó, năm 2012, chính quyền Đà Nẵng giao cho Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) làm chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, đồng thời cho phép Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Sau khi nghiên cứu, JICA đưa ra mức tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án hơn 2.260 tỷ đồng, đề xuất phương án bán sỉ năm đầu là 7.690 đồng/m3 nước. Lúc đó(thời điểm năm 2014), giá nước sinh hoạt thấp nhất được thành phố phê duyệt là 4.580 đồng/m3.
Sau các cuộc họp, do không thống nhất được phương án cuối cùng nên dự án tạm thời bị dừng lại. Đến tháng 11/2016 Dawaco đã xin thành phố cho tự đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 1.243 tỷ đồng, hoàn thành ngay trong năm 2020 và giá nước dự kiến là 4.600 đồng/m3.
Chính quyền Đà Nẵng đã thống nhất phương án của Dawaco và có văn bản xin ý kiến Thủ tướng.
Tháng 5/2017, Văn phòng Chính phủ đồng ý không sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư các công trình phụ trợ Nhà máy nước Hòa Liên, nhưng cũng yêu cầu "thành phố Đà Nẵng rút kinh nghiệm trong công tác vận động nguồn vốn ODA, tránh những việc tương tự xảy ra".