Thanh tra Chính phủ vừa công bố hàng loạt vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng TP Hà Nội phải xử lý trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, huyện Hoài Đức.
>>Sự chờ đợi góp phần bóp nghẹt thị trường bất động sản
Về công tác thực hiện giải phóng mặt bằng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ điểm nhiều sai phạm. Trong đó, hội đồng bồi thường GPMB huyện Hoài Đức không ban hành thông báo thu hồi đất đến từng hộ gia đình, cá nhân, trong 104 hồ sơ được kiểm tra đều thiếu thông báo thu hồi đất. UBND huyện Hoài Đức cũng đã thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất, không căn cứ vào diện tích đo đạc thực tế là không đúng với quy định tại Khoản 1, 2 Điều 47 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP.
Về giao đất, nộp tiền sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 08/5/2008 về việc thu hồi 138,17 ha đất, giao Vietracimex thực hiện Dự án nhưng không quy định cụ thể diện tích đất giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, thời hạn sử dụng đất... để làm căn cứ cho việc xác định tiền sử dụng đất, không căn cứ vào Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được duyệt.
Trước khi ra quyết định giao đất cho Vietracimex, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây không thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Dự án là thực hiện không đúng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Hà Tây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây thời kỳ nêu trên.
Riêng về chủ đầu tư, Thanh tra cũng cho biết, công ty Vietracimex đã đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng và nhà ở của Dự án mà không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; ký hợp đồng chuyển nhượng đất, nhà cho 16 khách hàng khi dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND thành phố Hà Nội xác định rõ trách nhiệm theo quy định đối với tập thể, cá nhân do thực hiện chưa đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan liên quan và Vietracimex khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục xác định và thu nộp nghĩa vụ tài chính của Dự án, bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Chỉ đạo Vietracimex nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng và nhà ở của Dự án mà không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; ký hợp đồng chuyển nhượng đất, nhà cho 16 khách hàng khi dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng; khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết, đồng thời sớm triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án đã được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh gây lãng phí đất đai và dư luận không tốt đối với việc thực hiện Dự án.
>>Lãi suất liên tục giảm, tiền gửi ngân hàng có chảy vào bất động sản?
Được biết, Tổng Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng (Vietracimex) tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội, thành lập năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.
Về hoạt động kinh doanh, thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận lãi sau thuế 453 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu đến 31/12/2022 đạt 14.437 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tổng nợ phải trả của Vietracimex năm vừa qua đã tăng đột biến trong năm 2022, từ gần 29.500 tỷ đồng đầu năm lên 36.659 tỷ đồng. Trong số này, riêng nợ trái phiếu đã khoảng 7.070 tỷ đồng, giảm được 480 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Nợ nần chồng chất, mới đây, tháng 5/2023 Vietracimex công bố thông tin về việc chậm thanh toán lãi trái phiếu của 4 mã trái phiếu WTOCH2126006, WTOCH2126007, WTOCH2126008 và WTOCH2126009. Tổng số tiền lãi, lãi phạt phải thanh toán đến 29/3/2023 hơn 24 tỷ đồng. Vietracimex cho biết công ty chưa thu xếp được nguồn để thanh toán lãi trái phiếu.
Theo thống kê, từ tháng 12/2018 – 3/2022, Vietracimex phát hành tổng cộng 11.374 tỉ đồng trái phiếu, phần lớn được sử dụng để tài trợ cho các dự án năng lượng và bất động sản. Trong đó, phần lớn các lô trái phiếu phát hành năm 2021 đều được thế chấp bằng quyền tài sản phát sinh từ một số lô đất thấp tầng của Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch; quyền tài sản gắn liền với hợp đồng ký kết giữa Vietracimex và CTCP Năng lượng Cà Mau 1A; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại Dự án Khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch hoặc không công bố đầy đủ thông tin.
Có thể bạn quan tâm
CẬN CẢNH DỰ ÁN PHÍA TÂY HÀ NỘI: KĐT Kim Chung Di Trạch "sống dậy" sau nhiều năm "chết lâm sàng"?
11:29, 18/08/2020
Chính sách hỗ trợ chỉ dừng ở mức "trấn an": Sự chờ đợi góp phần bóp nghẹt thị trường bất động sản
11:00, 15/07/2023
Lãi suất liên tục giảm, tiền gửi ngân hàng có chảy vào bất động sản?
03:00, 15/07/2023
Cuộc dịch chuyển bất động sản về phía Đông Thủ đô
22:15, 14/07/2023
DKRA GRoup: Bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận kỳ vọng gỡ vướng chính sách
15:11, 14/07/2023