Các chuyên gia cho rằng, khi lãi suất có xu hướng giảm thì dòng tiền gửi ngân hàng có thể chuyển sang các kênh có mức sinh lời tiềm năng hơn như chứng khoán và bất động sản.
>>DKRA GRoup: Bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận kỳ vọng gỡ vướng chính sách
Thực tế, khi lãi suất tăng cao, người dân thường có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi lãi suất giảm xuống thì hầu như đều tính đến trường hợp rút tiền để đầu tư vào các kênh có khả năng sinh lời cao, trong đó lĩnh vực bất động sản được coi là sự lựa chọn hàng đầu.
Theo ông Phạm Anh Khôi – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Viện DXS – FERI), lượng tiền gửi cá nhân trong hệ thống tài chính đã đạt mức lên đến 6,28 triệu tỷ đồng và có xu hướng gia tăng từ năm 2020 – 2023 do lãi suất tiền gửi tăng cao. Chỉ cách đây khoảng nửa năm, mức lãi suất gửi lên đến 11% mỗi năm.
Điều này cho thấy lí do tại sao người dân thích gửi tiền hơn là đầu tư vào các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các ngân hàng đã hạ lãi suất tiền gửi xuống còn 8% mỗi năm.
Đến Q4 năm nay, khi các khoản tiết kiệm đáo hạn, mức lãi suất mới dự kiến sẽ giảm xuống 5-6%. Do vậy, trong thời gian tới sẽ xuất hiện hai xu hướng.
Xu hướng đầu tiên, những nhà đầu tư mong đợi lợi nhuận cao hơn sẽ tìm các kênh khác đầu tư thay vì gửi tiền với lãi suất thấp. Điểm quan trọng là khi lãi suất tiền gửi giảm dưới 5% và lãi suất cho vay giảm dưới 10%, dòng tiền sẽ chảy ra khỏi các sản phẩm đầu tư và chuyển sang các kênh đầu tư mang tính rủi ro cao hơn. Mặc dù có thể không rút toàn bộ dòng tiền ra nhưng một phần sẽ chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác.
Xu hướng tiếp theo đó là từ nay đến cuối năm, dự đoán các nhà đầu tư vẫn sẽ đem gửi tiền vào ngân hàng. Vừa qua, thị trường bất động sản đã ghi nhận được một số tín hiệu tích cực. Tuy những tín hiệu này còn ít nhưng cũng bắt đầu phục hồi niềm tin của nhà đầu tư trở lại. Bên cạnh đó, dù còn nhiều người vẫn đang trong trạng thái quan sát và chưa vội xuống tiền thì cũng đã xuất hiện nhu cầu mua “bắt đáy”.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tại mức lãi suất đã giảm, room tín dụng đã được nới và dòng tiền đang trở lại thị trường để tìm kiếm những kênh đầu tư tiềm năng, mang lại lợi nhuận cao hơn việc gửi tiết kiệm. Trong số đó, bất động sản vẫn là lựa chọn ưu tiên, phù hợp với xu hướng tích lũy tài sản và có khả năng bảo toàn vốn tốt hơn so với các kênh đầu tư khác từ góc nhìn kinh tế học.
Hiện tại là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư nghiên cứu và quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, bởi nguồn cung bất động sản vẫn còn khan hiếm trong khi thị trường đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ.
Có thể thấy, tính đến hết tháng 6 mức lãi suất huy động bình quân đã giảm từ 0,7 – 0,8% xuống còn 5,8% mỗi năm. Tại các ngân hàng thương mại, trong khoảng một tháng trước, hầu hết các lãi suất kỳ hạn 12 tháng niêm yết trên quầy đều vượt mức 8%/năm, đến nay các mức lãi suất này đã trở nên hiếm hoi.
>>An cư, nghỉ dưỡng, đầu tư “cực chất” với căn hộ 1PN+1 bên sông Hàn, Đà Nẵng
Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), từng đứng đầu hệ thống về mức lãi suất "khủng" trong thời gian dài, thậm chí lên đến 10%/năm, thì hiện tại lãi suất chỉ còn 6,95%/năm đối với tiền gửi 12 tháng, nằm trong nhóm ngân hàng huy động lãi suất thấp nhất thị trường.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã niêm yết biểu lãi suất tháng 7/2023, với mức giảm 0,3%/năm đối với tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 6 tháng, đưa lãi suất xuống còn 6,7%/năm.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng niêm yết ở mức 6,3%/năm.
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất sẽ giảm chi phí vay, đồng thời tạo động lực cho nhà đầu tư triển khai dự án bất động sản mới và tạo cơ hội việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của bất động sản.
Kèm theo đó là các chính sách lãi suất, việc đưa ra loạt chính sách tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản giúp tạo thêm nguồn cung mới, thu hút dòng tiền trở lại thị trường.
Mặt khác, nhiều ý kiến lại cho rằng khả năng dòng tiền từ việc gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ khó chảy vào các kênh đầu tư như bất động sản trong ngắn hạn. Để hấp dẫn được dòng tiền lớn trở lại thì mức lãi suất tiết kiệm phải neo mức rất thấp trong thời gian dài cùng những tín hiệu tích cực từ các thị trường.
Có thể bạn quan tâm
DKRA GRoup: Bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận kỳ vọng gỡ vướng chính sách
15:11, 14/07/2023
Nhà đầu tư bất động sản săn tìm dự án tiềm năng ven đường vành đai 3 TP.HCM
10:33, 14/07/2023
Bất động sản Tây Nguyên ghi nhận những tín hiệu tích cực
08:59, 14/07/2023
Nhà ở giá rẻ "phá băng" thị trường bất động sản
04:00, 14/07/2023
Chọn lọc nhà đầu tư FDI vào bất động sản
13:43, 13/07/2023