Đánh giá việc chậm giải ngân và sử dụng vốn đâu tư công kém hiệu quả thời gian qua, ĐBQH Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nhìn nhận: cần chỉnh sửa lại Luật Đầu tư công.
Theo ông Nhường, đồng thời với việc cần chỉnh sửa lại Luật Đầu tư công, các đơn vị chủ đầu tư được giao đầu tư phải nhanh chóng triển khai và hoàn thành các công việc để đưa các dự án đã đầu tư vào sử dụng.
- Nhiều ý kiến cho rằng, hệ quả của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công nguy hiểm không kém gì lãng phí. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo tôi đây là ý kiến rất đúng. Như chúng ta đã biết, hiện nay có rất nhiều dự án như đường sắt ở TP HCM hay Hà Nội đều bị chậm tiến độ. Đi kèm với đó là vốn được đề xuất phải tăng lên rất nhiều lần, điều này dẫn đến việc Chính phủ không có đủ nguồn lực để đầu tư tiếp, dẫn đến tiến độ các dự án này tiếp tục bị chậm lại.
Một trong những nguyên nhân chậm là do tính toán chưa đầy đủ các yếu tố. Thứ hai, khi chậm sẽ dẫn đến trượt giá. Thứ ba, làm lãng phí nguồn lực rất lớn, trong khi chúng ta đang phải đi vay vốn nước ngoài, nợ công thì sát trần mà hiệu quả sử dụng vốn như trong báo cáo của Chính phủ 6 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân vốn vay nước ngoài chỉ được 16%, một số vốn đầu tư khác cũng tiếp tục bị chậm thanh toán.
Khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH thì các bộ nên thẳng thắn nhận rõ những nhược điểm để chỉnh sửa, chứ không nên cố duy trì những đặc quyền đặc lợi riêng cho bộ, ngành mình quản lý.
Đây là lãng phí rất lớn, trong khi xã hội lại cần phải hoàn thiện nhiều cơ sở hạ tầng khác. Đơn cử, những tuyến đường sắt tại TP HCM hay Hà Nội nếu đưa vào sử dụng sớm thì sẽ góp phần chống ùn tắc giao thông cũng như giải phóng sức vận chuyển hàng hóa, hành khách và phát triển du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay việc trì trệ ngoài việc chậm phát huy tác dụng còn gây ách tắc giao thông và làm chậm lại sự phát triển của xã hội.
- Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm hết năm này qua năm khác, theo Bộ KH&ĐT, do nguyên nhân khách quan, thưa ông?
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được các ĐBQH nêu lên từ năm 2016, tại các diễn đàn luôn nghe thấy những tiếng kêu than chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT cũng đã có giải thích chậm là do khách quan, vì Luật Đầu tư công mới triển khai, chưa am hiểu, triển khai thiếu đồng bộ… Nhưng tôi nhận thấy vấn đề này cần phải xem xét lại, vì thực tế có nhiều nơi cũng rơi vào tình trạng giải ngân chậm.
- Nhưng dường như đang có thực tế các bộ ngành ai cũng “ôm” quyền vào mình. Đây cũng là nút thắt khiến tiến độ giải ngân bị chậm chạp?
Phải nhìn nhận thẳng thắn, hiện nay các bộ ngành vẫn còn tư tưởng xây dựng cơ chế xin – cho. Chính vì vậy, khi các bộ ngành xây dựng các dự án luật thường lồng ghép lại những điều kiện để người dân cũng như doanh nghiệp phải xin phép các bộ ngành này. Nếu phải xin phép quá nhiều thì sẽ dẫn tới cản trở các hoạt động và gây trì trệ cho việc giải ngân vốn.
- Xin cảm ơn ông!