Vì sao Hải Phòng bứt phá, tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 của cả nước?

MINH HUỆ - HẢI NGÂN 12/07/2024 01:34

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam còn khó khăn, TP Hải Phòng vẫn là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế khi duy trì được mức tăng trưởng cao 2 con số.

>>>Ngành Thuế Hải Phòng: Tăng tốc nhiệm vụ để “về đích” năm

>>>Cao tốc nối Ninh Bình - Hải Phòng tạo động lực cho sự phát triển trong tương lai

Đi trước đón đầu

TP Hải Phòng được biết đến là thành phố cảng đặc biệt quan trọng, là trung tâm công nghiệp. Đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Đây cũng là một đỉnh trong tam giác kinh tế sôi động bậc nhất cả nước gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

6 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng  ở tốp đầu cả nước, với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 10,32%, đứng thứ 5 cả nước, thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Trần Huy Kiên - CVP UBND TP Hải Phòng, 6 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng vẫn duy trì và đạt kết quả tích cực. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) của địa phương ước tăng 15,24% và đứng đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng quý II/2024, chỉ số IIP của TP Hải Phòng tăng trên 17%.

Không riêng chỉ số sản xuất công nghiệp mà tốc độ tăng thu ngân sách của TP Hải Phòng cũng đang đứng đầu cả nước. Minh chứng cho điều này là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hải Phòng 6 tháng năm 2024 đạt gần 63.000 tỷ đồng, tăng gần 35% so với cùng kỳ, đạt trên 62% dự toán Trung ương giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng trên 100% so với cùng kỳ; không chỉ nguồn thu từ đất mà các sắc thuế, các khoản thu từ sản xuất kinh doanh đều tăng.

Ông Nguyễn Tiến Trường - Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng cho biết, trong số 18 chỉ tiêu dự toán pháp lệnh giao có 17 chỉ tiêu đạt tốc độ tăng hơn 50%, chỉ có 1 chỉ tiêu chưa đạt là thu từ khu vực doanh nghiệp Trung ương do ảnh hưởng bởi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Đánh gía nguồn thu xác định thu của 6 tháng cuối năm và tổng thu ngân sách của cả năm 2024, TP Hải Phòng sẽ đảm bảo được kế hoạch đặt ra.

Nửa đầu năm 2024, TP Hải Phòng tăng trưởng kinh tế ở tốp đầu cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 10,32%,

6 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng ở tốp đầu cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 10,32%,

Để đạt những con số ấn tượng trên, thời gian qua TP Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTr/TW về thực hiện Nghị quyết 36, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước. Theo đó, Hải Phòng đã xác định cụ thể 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm của thành phố: Du lịch biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và khoáng sản; nuôi trồng và khai thác thủy sản; công nghiệp ven biển; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển.

Ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, cho biết: Kinh tế TP Hải Phòng đang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Đặc biệt môi trường đầu tư, kinh doanh của TP Hải Phòng tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, TP Hải Phòng đã tổ chức Đoàn công tác của thành phố đi xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc. Đồng thời, phối hợp tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư, ký kết các bản ghi nhớ mới với đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hải Phòng phấn đấu sẽ  trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển..

Bên cạnh đó, phát triển du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực trong các ngành kinh tế, tạo ra các sản phẩm du lịch mới và dịch vụ cao cấp. Về khoa học – công nghệ và đào tạo, đảm bảo đào tạo đủ nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực biển Hải Phòng và cả nước.

Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ – công nghiệp kinh tế biển, tập trung mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ logistics, dịch vụ hàng hải. Để đạt được các mục tiêu này, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Tăng trưởng kinh tế dựa trên sự phát triển của khu kinh tế ven biển hiện đại, khu công nghiệp chuyên sâu.

Đốc thúc triển khai các dự án trọng điểm

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN DEEP C Hải Phòng

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại KCN DEEP C Hải Phòng

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng nửa đầu năm 2024 đạt 2 con số nhưng vẫn chưa đạt như kế hoạch đề ra. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội mặc dù tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa như kỳ vọng như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giải ngân vốn đầu tư công; sản lượng hàng qua cảng, thu hút khách du lịch… Ngoài ra, sản xuất công nghiệp của TP Hải Phòng vẫn tập trung vào khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nội địa của địa phương này còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành uỷ Hải Phòng cho biết: “Tăng trưởng của TP Hải Phòng nếu năm nay duy trì được 2 con số là 10 năm liên tục; nhưng so với kế hoạch đề ra là còn “vơi”. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện bằng được. Thời gian tới, các đơn vị cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai thực hiện một số nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, thách thức; nghiên cứu đề xuất Đề án thành lập Khu thương mại tự do trong khu kinh tế phía Nam thành phố; hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án điện gió ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ...”.

Hiện, TP Hải Phòng đang tăng cường kết nối các doanh nghiệp; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng tới xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp phụ trợ nội địa với các tập đoàn lớn, nhất là trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, điện – điện tử, chip, chất bán dẫn… Đồng thời, tập trung đổi mới tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua nhiều hình thức khác nhau để nâng cao hiệu quả đối thoại, nắm bắt nhanh chóng khó khăn để kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ông Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng cho biết, nhiệm vụ đặt ra những tháng cuối năm còn nhiều thách thức. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần đề cao tinh thần trách nhiệm chủ động, sáng tạo và quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình công tác năm 2024 và kế hoạch kinh tế xã hội đã được giao. Trong đó, trung tập trung cao cho công tác thu ngân sách, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, chuyển đổi số… Cùng với đó, chủ động thực hiện các công việc được giao đối với các đề án: Thành lập thành phố Thuỷ Nguyên, quận An Dương, điều chỉnh địa giới quận Hồng Bàng, đề án chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính, thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam…

Được biết, TP Hải Phòng hiện đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghiệp mới, các dự án, công trình trọng điểm của thành phố như: Dự án bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, khu công nghiệp và khu thuế quan Xuân Cầu, khu công nghiệp Tiên Thanh; các dự án khu đô thị, nhà ở xã hội. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện...

Đặc biệt, trong tháng 6/2024 vừa qua, TP Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố, trình Chính phủ và hiện đang xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.

Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được nghiên cứu khoảng 22.000 ha, quy hoạch theo xu hướng toàn cầu bây giờ. Đó là: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển vì cộng đồng, sử dụng năng lượng tái tạo. Khu vực này kết hợp được giữa cảng biển, sân bay, đô thị, logistics và các khu vực công nghiệp. Đặc biệt, khu kinh tế phía Nam sẽ tập trung chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao và logistics hiện đại, gắn với cảng Nam Đồ Sơn”.

Còn theo ông Nguyễn Khôi - Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tiên Thanh cho biết, thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư cùng với TP Hải Phòng tại các nước, phía doanh nghiệp cảm nhận rõ làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước lân cận về thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường Hải Phòng. Do vậy, doanh nghiệp đang tập trung cao độ cho việc hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, cũng như công tác về giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành Thuế Hải Phòng: Tăng tốc nhiệm vụ để “về đích” năm

    Ngành Thuế Hải Phòng: Tăng tốc nhiệm vụ để “về đích” năm

    15:40, 11/07/2024

  • Thị trường bất động sản Hải Phòng duy trì phát triển ổn định

    Thị trường bất động sản Hải Phòng duy trì phát triển ổn định

    10:07, 10/07/2024

  • Cao tốc nối Ninh Bìnhp/- Hải Phòng tạo động lực cho sự phát triển trong tương lai

    Cao tốc nối Ninh Bình - Hải Phòng tạo động lực cho sự phát triển trong tương lai

    02:32, 10/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Hải Phòng bứt phá, tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 của cả nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO