Vì sao khách hàng sập bẫy hàng loạt "dự án ma" của Phú An Thịnh Land?

MAI AN 10/06/2021 11:00

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án tại CTCP địa ốc Phú An Thịnh Land, chuyển VKSNN cùng cấp đề nghị truy tố TGĐ công ty này về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cơ quan CSĐT cho biết, kết quả điều tra cho thấy Công ty Phú An Thịnh Land được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0314192020 ngày 9.1.2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp cho Ngô Minh Khâm, T.D.T (38 tuổi, ngụ Cà Mau), T.M.H (29 tuổi, ngụ Nghệ An), D.T.K.T (31 tuổi, ngụ Bình Thuận) cùng đứng tên thành lập.

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM chuyển VKSNN cùng cấp đề nghị truy tố tổng giám đốc công ty này về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Công ty đăng ký hoạt động với các ngành nghề kinh doanh như đại lý môi giới, đấu giá, vận tải hành khách đường bộ khác, dịch vụ phục vụ đồ uống, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Sau khi thành lập công ty, công ty này đã lập các dự án dân cư không có thật trên địa bàn tỉnh Long An gồm: Eco Garden, Eco Garden 3, Eco Garden 4, Mỹ Yên (Eco Garden 5), Hưng Phát Center 2. Cùng với đó, tại TP. HCM, Khâm lập các dự án: Eco City Tân Kiên, Phú Thọ Hòa Tân Phú và Khu đô thị Phú An Thịnh.

Theo Cơ quan CSĐT, mặc dù chưa hoàn tất thủ tục thanh toán, thủ tục chuyển nhượng các thửa đất hoặc đã sở hữu được một số thửa đất, các khu đất chưa được cơ quan chức năng chấp giấy chứng nhận sử dụng đất; Khu đất công nghiệp chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không đủ điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo dạng phân, bán nền dưới dạng thổ cư cho khách hàng nhưng Ngô Minh Khâm đã thuê người lập vẽ, thiết kế, phân chia các khu đất thành nhiều nền đất dưới dạng thổ cư.

Sau đó tự tổ chức quảng cáo gian dối để dẫn dắt, giới thiệu khách hàng đến Phú An Thịnh Land ký hợp đồng. Bị can Ngô Minh Khâm dùng tư cách cá nhân để ký kết hợp đồng đặt cọc với mục đích nhận chuyển nhượng một lượng lớn đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất công ích từ nguồn tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt từ khách hàng.

Cơ quan CSĐT nhận định bị can Ngô Minh Khâm có vai trò chủ mưu trong vụ án này.

Một số chính sách ưu đãi mà Nhâm đưa ra để khách hàng “sập bẫy” như nền đất thổ cư không có thật rẻ hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch; chiết khấu 5%-10% đối với khách hàng đóng ngay 95% giá trị nền đất thổ cư không có thật sau khi ký hợp đồng; cam kết bồi thường 20% và hoàn lại toàn bộ vốn đầu tư khi không thực hiện giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng thời hạn.

Theo tìm hiểu của PV, giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2018, nhiều người đã mua các nền đất tại các dự án Eco Garden, Eco Garden 3 và Eco Garden 5 ở 2 huyện Cần Đước và Bến Lức (tỉnh Long An) do Công ty Phú An Thịnh Land làm chủ đầu tư.

Sau khi thanh toán tiền như thỏa thuận trong hợp đồng người mua yêu cầu làm thủ tục ra sổ, sang tên nhưng công ty này từ chối vì dự án không phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, thời gian dài chủ đầu tư không có biến chuyển, các khách hàng đã yêu cầu thanh lý hợp đồng trả lại tiền nhưng phải lên xuống nhiều lần công ty mới trả một phần tiền.

Theo đó, 80 người đã gửi đơn tố cáo ông Khâm dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Được biết, UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An không nhận được hồ sơ từ Công ty Phú An Thịnh Land đầu tư vào các dự án Eco Garden 3 (tại ấp 4, xã Long Hoà) và dự án Eco Garden (tại ấp Phước Vĩnh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, Long An).

Trong khi đó với dự án Eco Garden 5 (15 nền, diện tích gần 2000 m2) ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, UBND huyện Bến Lức cũng không chấp nhận chủ trương đầu tư dự án.

Trường hợp vẽ dự án ma rồi rao bán không còn là hiện tượng lạ trên thị trường mà đang là vấn đề đáng báo động. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) để tránh sập bẫy dự án ma, khách hàng cần yêu cầu công ty đó cung cấp giấy tờ pháp lý dự án đã đủ điều kiện huy động vốn theo văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng, kiểm tra có thế chấp ngân hàng…

“Người mua phải xuống thực tế dự án, đối chiếu với các thông tin quy hoạch, quyền sở hữu để đưa ra quyết định. Xuống thực tế dự án, khách hàng có thể xem chủ đầu tư đã hoàn thành các cơ sở hạ tầng dự án hay chưa và tới chính quyền địa phương để kiểm tra quy hoạch, pháp lý dự án đó” - ông Châu nói.

Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, để ngăn chặn loại hình kinh doanh trái quy định này, cơ quan chức năng phải minh bạch thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông báo chí. Dựng panô, bảng hiệu cảnh báo khu đất quy hoạch, khu đất không làm dự án để người dân cảnh giác và phòng ngừa. 

“Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình phân lô bán nền trái phép. Khi có hình thức xử phạt, chế tài nặng, doanh nghiệp làm trái quy định mới thật sự sợ” – ông Hà đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • Nở rộ dự án ma, Lâm Đồng tạm dừng phân lô tách thửa

    Nở rộ dự án ma, Lâm Đồng tạm dừng phân lô tách thửa

    15:32, 03/06/2021

  • Công an TP.HCM tìm nạn nhân của nhiều dự án ma

    Công an TP.HCM tìm nạn nhân của nhiều dự án ma

    04:00, 02/03/2021

  • Minh bạch thông tin quy hoạch, tránh

    Minh bạch thông tin quy hoạch, tránh "dự án ma"

    16:00, 22/02/2021

  • Cảnh báo tái diễn dự án ma

    Cảnh báo tái diễn dự án ma

    08:30, 22/09/2020

  • Khách hàng kêu cứu vì sập bẫy dự án ma

    Khách hàng kêu cứu vì sập bẫy dự án ma

    06:30, 25/12/2019

  • Tránh sập bẫy

    Tránh sập bẫy "dự án ma"

    14:12, 04/12/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao khách hàng sập bẫy hàng loạt "dự án ma" của Phú An Thịnh Land?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO