Tập đoàn sở hữu Lego vừa thâu tóm công ty công nghệ giáo dục BrainPOP trị giá 875 triệu USD. Thương vụ này rất phù hợp với định vị của Lego: Thúc đẩy sáng tạo qua vui chơi.
>>LEGO tiến công mạnh vào kĩ thuật số
Công ty Kirkbi A/S, bên sở hữu cổ phần kiểm soát tại Lego, vừa công bố thương vụ mua lại BrainPOP. Đây là một phần trong tham vọng dấn thân vào quá trình chuyển đổi kỹ thuật số chương trình học phổ thông của công ty.
Theo thông báo từ Kirkbi A/S, việc đầu tư vào “trò chơi và học tập kỹ thuật số” là đến từ mong muốn biến Lego trở thành động lực học tập toàn cầu bằng cách vui chơi.
Và nếu xem xét kỹ thì BrainPOP không phải là phát súng đầu tiên của Kirkbi A/S trong mảng công nghệ giáo dục. Trong nửa thập kỷ qua, Kirkbi A/S thực hiện khoảng 15 thương vụ đầu tư thiểu số vào các hãng công nghệ giáo dục. Đầu năm nay họ cũng đầu tư 1 tỷ USD vào Epic Games (công ty sở hữu game video Fortnite nổi tiếng) để thúc đẩy quá trình xây dựng vũ trụ ảo.
Các điều khoản trong thương vụ cho thấy Kirkbi A/S sẽ nhắm toàn quyền kiểm soát vốn chủ sở hữu của BrainPOP, nhưng BrainPOP vẫn được “độc lập về mặt hoạt động”. Scott Kirkpatrick tiếp tục làm CEO của BrainPOP. Còn Avraham Kadar, người sáng lập BrainPOP, tiếp tục giữ vị trí trong hội đồng quản trị.
BrainPOP được Kadar thành lập năm 1999 tại New York. Công ty chuyên sản xuất các video giáo dục cho trẻ về một số chủ đề. Hiện nay BrainPOP hiện diện tại hai phần ba các học khu ở Mỹ, tiếp cận được 25 triệu học sinh.
>>Dự án tỷ đô và tham vọng của LEGO tại Việt Nam
Kirkpatrick cho biết ông hy vọng định hướng từ Kirkbi A/S sẽ giúp BrainPOP kết nối với mạng lưới khán giả toàn cầu và bán trực tiếp các sản phẩm đến phụ huynh thay vì chỉ bán cho các học khu như trước.
Cả hai bên đều lạc quan về thương vụ. Thế nhưng cũng có một số ý kiến lo ngại. Chẳng hạn Paul Nary, một phó giáo sư tại Đại Học Pennsylvania, viết trên Twitter rằng đây là “một khoản đầu tư không hiệu quả”.
Ông lý giải rằng thương vụ không thiết lập được một giá trị mới rõ ràng cho BrainPOP ngoài những mối quan hệ mà tự nó đã có được trước đó. Ông thừa nhận rằng vẫn có khả năng BrainPOP được duy trì giá trị ngày càng tăng của mình. Tuy nhiên trong đa số trường hợp, các chủ sở hữu (ở đây chỉ Kirkbi A/S) lại quá muốn khai thác giá trị từ một công ty được mua lại, đặc biệt khi BrainPOP sẽ đem đến lợi ích kinh doanh cho Lego, một át chủ bài của Kirkbi A/S.
NHƯ VẬY LÀ
Định vị của Lego vốn là “sáng tạo qua vui chơi”. Điều này thể hiện rất rõ qua các quảng cáo rất nhất quán từ nhiều năm nay của Lego. Việc mua 1 công ty công nghệ giáo dục sẽ càng làm định hướng “sáng tạo” của Lego ngày càng rõ ràng và sâu hơn. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế thế nào thì cần thời gian để sáng tỏ.
Có thể bạn quan tâm