Vì sao “nâng cấp” Cục quản lý thị trường lên Tổng cục?

Diệp Chi 31/10/2018 10:40

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hội nhập sâu rộng... đang đặt ra nhiều vấn đề quản lý nhà nước, bao gồm cả mô hình quản lý thị trường.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa

Sáng nay (31/10), tại phiên chất vấn các “tư lệnh” ngành, đại biểu Lý Tiết Hạnh chất vấn về sự thay đổi mô hình hoạt động của lực lượng quản lý thị trường khi "nâng cấp" Cục quản lý thị trường lên thành Tổng cục và chuyển quản lý các chi cục tại địa phương theo ngành dọc, thay vì địa phương quản lý như trước. 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra nhiều vấn đề cho lực lượng quản lý thị trường (QLTT). “Chúng ta cũng chứng kiến vấn đề buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, buôn bán hàng kém chất lượng diễn ra rất tinh vi giữa các địa phương, thậm chí trong và ngoài nước” – Bộ trưởng nói.

Do đó cần có một lực lượng chuyên ngành để phối hợp với các lực lượng khác cần phải xem xét tổ chức lại. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động gian lận thương mại trên thương mại điện tử, mạng xã hội, Internet… các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả đạt quy mô mới, hình thức tinh vi, đòi hỏi sự cấp nhật chuyên môn, nghiệp vụ của QLTT, sự phối hợp với các địa phương liên vùng. Sự cắt khúc từ trước đến nay còn một số tồn tại, Chính phủ muốn tổ chức quản lý điều hành theo ngạch dọc, vẫn có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo của chính quyền địa phương.

"Chúng tôi chỉ thay đổi mô hình tổ chức, còn bản chất chỉ đạo lực lượng này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, chính quyền địa phương" - Bộ trưởng Công Thương khẳng định và cho biết tới đây Bộ sẽ xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương, gắn với mục tiêu cụ thể của địa phương; số hoá công tác quản lý thị trường để khắc phục hạn chế.

Theo Quy định tại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục Quản lý thị trường, lực lượng Quản lý thị trường sẽ được tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương tới địa phương. Tại địa phương, cơ quan Quản lý thị trường được thành lập đơn vị cấp Cục trực thuộc Tổng Cục Quản lý thị trường.

Theo kế hoạch, việc xây dựng Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 12/2019, theo đó sẽ giảm từ 63 Cục cấp tỉnh, thành phố xuống còn 44 Cục cấp tỉnh, thành phố và liên tỉnh. Việc rà soát, giảm số lượng các Đội Quản lý thị trường cấp huyện xuống còn 376 Đội theo lộ trình đến năm 2020, giảm 24%.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai Quyết định số 34/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức ngày 22/8 vừa qua, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), cho hay, Tổng cục QLTT có 6 đơn vị (giảm 45,5% so với con số 11 đơn vị như trong đề án thành lập) gồm 4 vụ, 1 cục và Văn phòng Tổng cục. Tổng cục QLTT sẽ không có tổ chức cấp phòng trong Vụ, Cục và các Đội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao “nâng cấp” Cục quản lý thị trường lên Tổng cục?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO