Trong khi “cuộc ly hôn” giữa Anh và Liên minh Châu Âu, vẫn chưa đi đến hồi kết thì mới đây, Nga đã ra tuyên bố sẽ tự động rút khỏi Hội đồng Châu Âu.
Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Moscow và Châu Âu xuất hiện từ tháng 4/2014 khi đại diện của Nga đã bị tước một số quyền hạn trong Hội đồng Nghị viện Châu Âu (PACE) do lập trường của họ về vấn đề bán đảo Crimea.
Cụ thể, tại cuộc họp ở thành phố Strasbourg - Pháp, nơi đặt trụ sở của PACE, các nghị sĩ đã tiến hành bỏ phiếu thông qua việc tước quyền bỏ phiếu và loại trừ các thành viên của phái đoàn Nga khỏi vị trí lãnh đạo tại tổ chức này. Quyết định này nhận được 145 phiếu thuận, 21 phiếu chống và 22 phiếu trắng.
Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu là một cơ quan không có quyền lập pháp, nhưng có đặc trách thúc đẩy các hoạt động hợp tác về nhân quyền và dân chủ giữa các quốc gia châu Âu. Ủy ban gồm các nhà lập pháp từ quốc hội của 47 nước thành viên, trong đó có 18 nghị sĩ Nga và 12 nghị sĩ Ukraine.
Tưởng như sau thời gian, mọi việc đã lắng xuống, rạn nứt đã được xóa bỏ nhưng mới đây, ngày 16/1, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga - Ngoại trưởng Sergei Lavrov một lần nữa lật lại vấn đề khi nêu lý do về việc Nga sẽ tự rút khỏi Hội đồng Châu Âu (CoE).
Lý do mà ông Lavrov đưa ra là do các quốc gia thành viên đã vi phạm nguyên tắc hoạt động của chính Hội đồng khi đối xử bất công với phái đoàn Nga. Ông Lavrov đã nêu lý do Nga sẽ tự rút khỏi CoE vì các quốc gia thành viên đã vi phạm nguyên tắc hoạt động của chính Hội đồng khi đối xử bất công với phái đoàn Nga.
Có thể bạn quan tâm
11:26, 11/01/2019
06:00, 11/12/2018
04:30, 25/11/2018
Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, các quốc gia châu Âu tước các quyền của đại biểu phái đoàn Nga, thiếu sự bình đẳng như các phái đoàn khác. “Tôi tin rằng họ biết họ đang làm gì" - ông Lavrov nhấn mạnh tới việc phái đoàn Nga bị đối xử bất công tại PACE.
Ngoại trưởng Nga cảnh báo, nếu Hội đồng Châu Âu muốn trục xuất nước Nga thì "Moscow sẽ không mang lại niềm vui cho họ đâu. Chúng tôi sẽ tự mình rời đi" - ông nói.
Ngoài ra, ông Lavrov cũng khẳng định, nếu Hội đồng Châu Âu còn tiếp tục đòi khoản tiền đóng góp của Nga cho ngân sách của họ thì Nga sẽ làm vậy ngay sau khi các quyền hạn của Nga ở PACE được hồi phục.
"Chúng tôi tái khẳng định tuyên bố chính thức gần đây rằng, ngay sau khi các quyền của chúng tôi được phục hồi, chúng tôi sẽ trả khoản đóng góp cho CoE đầy đủ" - ông Lavrov nói.
Trước đó, Tổng thư ký CoE Richard Thorbjorn Jagland hôm 10/10 tuyên bố Nga có thể sẽ bị loại khỏi danh sách các nước thành viên CoE nếu đến giữa năm 2019, nước này tiếp tục không khôi phục khoản đóng góp vào ngân sách của tổ chức.
"Chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được rằng một quốc gia vẫn còn đang trong tổ chức này mà không trả tiền đóng góp. Đó sẽ là thảm họa cho toàn bộ Hội đồng" - ông Jagland nói, đồng thời cho biết sẽ sớm trình sửa đổi Ngân sách Hội đồng châu Âu mà không có khoản đóng góp của Nga.
Nga đã đóng băng khoản đóng góp cho CoE đối với tư cách thành viên PACE của Nga cho năm 2018 sau khi 2 năm liền họ không được thông báo về các phiên họp của Hội đồng này.
Có vẻ như câu chuyện rời bỏ các tổ chức, liên minh quốc tế là một xu thế ngày càng thịnh hành. Khi nói về nguy cơ Ruxit, Tổng thư ký PACE, Jagland, Thượng nghị sĩ Nga Aleksey Pushkov đều đồng ý rằng châu Âu sẽ bị thiệt hại nếu Nga rời khỏi EC. Tuy nhiên, Nga sẽ thiệt hại ít hơn vì Nga có vị thế trên “bàn cờ toàn cầu”.
Và khi Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu và Nga rời khỏi Hội đồng châu Âu thì châu Âu đó đã là một châu Âu khác, cũng như là 140 triệu người dân Nga sẽ bị đưa ra khỏi hoạt động của Hội đồng về nhân quyền.
Tuy nhiên, Moscow tuyên bố không thể làm việc trong các điều kiện như vậy, đồng thời nhiều lần nhấn mạnh rằng Nga chỉ quay lại tổ chức này sau khi quyền biểu quyết của họ được khôi phục hoàn toàn.
Từ hàng loạt vấn đề nội bộ bất ổn, “lục địa già” không còn là một mảnh đất trong mơ. Và câu chuyện trong năm mới mà Châu Âu phải giải quyết không đơn thuần chỉ là câu chuyện Brexit hay Ruxit.
Mà nếu không cẩn thận thì việc tiếp theo mà liên minh này phải đối mặt, rất có thể sẽ là Polexit (Ba Lan rời EU) hay Itexit (Italy rời EU).
Trong bối cảnh này, nếu muốn tiếp tục tồn tại, Châu Âu sẽ buộc phải thay đổi. Thế nhưng, đổi mới thế nào vẫn là câu hỏi lớn mà cả PACE, CoE hay toàn bộ EU cần phải bàn thảo một cách kỹ lưỡng.