Mặc dù phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam “bùng nổ” trong thời gian qua và số lượng sản phẩm mới ra đời không ít, nhưng việc đưa vào siêu thị, hệ thống phân phối vẫn còn rào cản nhất định.
Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Kết nối sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối”, do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa từ Trung ương đến địa phương, từ cấp vùng miền, quốc gia đến cơ sở, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng cao, lên đến 90% tại các siêu thị trong nước và trên 70% tại các siêu thị của các doanh nghiệp FDI. Trong giai đoạn 2016 – 2020, làn sóng khởi nghiệp tại nước ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm, tuy còn mới mẻ, nhưng không ít tiềm năng, bởi đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Những dự án trong lĩnh vực thực phẩm đã góp phần đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng. Đồng thời, góp phần cung cấp nguồn cung dồi dào cho các kênh phân phối.
>>Khó khăn trong việc đưa sản phẩm khởi nghiệp đến với người tiêu dùng
>>Trà lá Trứng cá, sản phẩm khởi nghiệp thực tiễn của cậu sinh viên đại học Trà Vinh
Đã có nhiều startup thành công, đưa ra thị trường sản phẩm thực phẩm an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại như: MM Mega Market, Lotte, Vinmart, Coopmart… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã.
Theo ý kiến các doanh nghiệp phân phối, các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo muốn đưa vào siêu thị, doanh nghiệp cần có định hướng cụ thể về đối tượng khách hàng. Đặc biệt, kết nối cung cầu hàng hóa là một trong các giải pháp quan trọng để đưa hàng hoá vào các hệ thống phân phối, giúp hàng hoá tiêu thụ tốt hơn, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Ông Majima Fumihiro, Giám đốc Khối Kinh doanh Công ty CP Acecook Việt Nam chia sẻ, khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị, doanh nghiệp cần có định hướng cụ thể về đối tượng khách hàng, đặc tính của sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú ý đến mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm, định hướng hoạt động marketing phát triển sản phẩm; theo dõi phản hồi của khách hàng để kịp thời có những cải tiến, thay đổi phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong khi đó, bà Lại Đỗ Phương Vi, Giám đốc Hợp tác chiến lược Smartlog Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư, xây dựng một nền tảng logistics phục vụ doanh nghiệp đưa hàng hóa vào hệ thống kênh siêu thị một cách thuận lợi nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh với quy mô thị trường có thể đạt tới 180 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cần tiếp cận và kết nối, phát triển thị trường tại các kênh phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước, qua đó có những điều chỉnh kịp thời về cơ cấu và năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đánh giá cao việc kết nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và nhà bán lẻ, bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market cho biết, kết nối là giải pháp ổn định đối với người nông dân giúp hàng hoá được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, tư vấn mặt kỹ thuật để yên tâm sản xuất. Tương tự, doanh nghiệp cũng có thể chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
https://cand.com.vn/doanh-nghiep/vi-sao-san-pham-khoi-nghiep-le-bong-o-sieu-thi--i635302/
Có thể bạn quan tâm