Ban cán sự Đảng UBND TPHCM thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách TP để triển khai tiếp dự án metro số 2, thay vì vốn vay ODA đã ký kết trước đó.
Sử dụng vốn ngân sách TP
Theo đó, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM chính thức có thông báo kết luận về phương án thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Theo thiết kế, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương chạy qua 6 quận của TPHCM sẽ được làm bằng vốn ngân sách TP. Đồng thời, bổ sung công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành vào dự án metro số 2.
Về nhiệm vụ, Ban Quản lý đường sắt đô thị (MAUR ) sẽ chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án thực hiện dự án metro số 2.
Song song đó, các sở ngành, đơn vị liên quan sẽ có báo cáo đánh giá tác động toàn diện các vấn đề phát sinh (pháp lý, tài chính, ngoại giao...); nghiên cứu, bổ sung cơ chế EPC (quản lý dự án bằng hợp đồng tổng thầu thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ - thi công xây dựng) vào đề án phát triển đường sắt đô thị theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đồng thời xác định tuyến metro 2 phải là dự án thí điểm các cơ chế chính sách từ đề án. Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung các chính sách hoàn thiện phương án triển khai dự án metro số 2 đảm bảo kế hoạch đề ra, báo cáo UBND TPHCM trình Ban cán sự Đảng UBND TPHCM trước ngày 28/11/2024.
Về nguồn vốn, Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP phương thức huy động vốn phù hợp để triển khai dự án metro số 2; trình UBND TP trước ngày 30/11/2024.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương do Ban Quản lý đường sắt đô thị TP làm chủ đầu tư. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 11km, trong đó có 9km đi ngầm, 9 ga ngầm và 1 ga trên cao. Tổng vốn đầu tư dự án ban đầu khoảng 47.800 tỉ đồng. Metro số 2 sẽ chạy qua 6 quận, gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú của TPHCM, tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án khoảng 251.000m², có 585 hộ dân, tổ chức phải di dời trong quá trình giải phóng mặt bằng làm dự án.
Thay thế vốn vay ODA
Đáng chú ý, trước đó, dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đã từng ký kết 5 hiệp định vay vốn với ADB, KfW và EIB. Tuy nhiên, các hiệp định vay đến nay đều đã hết hạn. Bên cạnh đó, công tác thu xếp tài chính cho dự án bị chậm trễ và có sự thay đổi so với kế hoạch, pháp lý ban đầu của dự án do các nhà tài trợ thay đổi điều kiện cho vay và quy trình xem xét cung cấp các khoản vay ODA (từ giữa tháng 8/2024).
Theo báo cáo gần đây nhất của MAUR, việc thu xếp tài chính cho dự án gặp nhiều khó khăn, dẫn đến gói thầu tư vấn CS2B - đóng vai trò quan trọng trong giám sát thi công, cập nhật thiết kế và lựa chọn nhà thầu chính, đang tạm ngưng đóng/mở thầu.
Liên quan tới công tác chuẩn bị mặt bằng để triển khai dự án, ông Vũ Văn Vịnh - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 – MAUR, cho biết hiện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đang cùng nhà thầu thực hiện hạng mục di dời công trình điện đường dây cáp ngầm 110kV Bến Thành - Tao Đàn. Khu vực này dự kiến sau này bàn giao cho nhà thầu chính làm ga ngầm.
Cũng theo ông Vịnh, trong năm 2024, ban tập trung nguồn lực để thi công tại 12 vị trí. Trong đó có 10 vị trí chuẩn bị mặt bằng cho các nhà ga và 2 đoạn đào hở để cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác di dời hạ tầng kỹ thuật. Những phần còn lại sẽ thi công trong nửa đầu năm 2025 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.
"Thuận lợi hiện nay là toàn bộ nhà thầu thi công dời hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, viễn thông, điện đã được tuyển chọn thông qua đấu thầu. Đồng thời sẵn sàng nguồn lực tổ chức thi công đồng loạt ngoài công trường. Còn khó khăn là tuyến metro 2 đi dọc trục đường từ ga Bến Thành - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh và nút giao Cộng Hòa rẽ vô depot Tham Lương. Song, với việc đi xuyên tâm TPHCM có mật độ giao thông lớn thì việc di dời hạ tầng kỹ thuật có thể gặp khó. Nhất là trong tổ chức, phân luồng giao thông đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Thời gian thi công tập trung chủ yếu vào ban đêm. Ngoài những vị trí ngoài lòng đường thì chủ yếu thi công ban đêm được cấp phép từ 10h đêm đến 5h sáng. Ban ngày, công nhân chỉ tái lập lại mặt bằng kết hợp điều hành đồng bộ về giao diện để đảm bảo an toàn giao thông. Tiến độ cơ bản hoàn tất trong khoảng cuối năm 2024", ông Vịnh nói.
Trước đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM tổ chức lễ triển khai thi công đầu năm tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương. Mục tiêu đặt ra là cơ bản hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong năm 2024 và sẵn sàng bàn giao cho nhà thầu chính thi công đường hầm và các nhà ga trong năm 2025.
Dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được UBND TPHCM phê duyệt năm 2010 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2019. Tổng mức đầu tư khoảng 47.900 tỉ đồng. Trong đó sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng từ ngân sách. Tuyến metro số 2 có chiều dài hơn 11km (đoạn đi ngầm dài hơn 9km, đoạn đi trên cao dài gần 2km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Dự án đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng diện tích thu hồi 251.136m2. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 3.753 tỉ đồng. Đến nay tỉ lệ bàn giao mặt bằng đạt 86,6% (508/586 trường hợp). Hiện đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu các gói di dời - tái lập công trình cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu giao thông vào tháng 12-2023. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Thế nhưng, do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên dự án được lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030. Về giải phóng mặt bằng, quận 3 còn 70 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Cuối năm 2023, TPHCM chỉ đạo về giải quyết vướng mắc liên quan đến điều chỉnh đơn giá bồi thường. Đến cuối tháng 1/2024, Quận 3 đã tiến hành phê duyệt điều chỉnh đơn giá của tất cả các trường hợp có liên quan 108/112 trường hợp. |