Vì sao Trung Quốc mạnh tay đàn áp các công ty Edtech?

NGUYỄN CHUẨN 07/06/2021 04:00

Ngành công nghiệp giáo dục Edtech của Trung Quốc đang gặp phải sự hỗn loạn về quy định, và Bắc Kinh đang làm mọi cách để giữ cho ngành này nằm trong tầm kiểm soát.

Đối với các công ty Edtech của Trung Quốc đã niêm yết tại Mỹ, vài tuần qua đã chứng kiến một loạt các khoản thanh lý đầu tư trên thị trường. Nguyên nhân của sự hỗn loạn là do chính phủ Trung Quốc đề xuất cải cách thị trường giáo dục K-12(Bậc phổ thông trung học), nhằm giải quyết áp lực đối với học sinh chủ yếu là do dạy thêm sau giờ học quá nhiều.

Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang có hơn 240 triệu học sinh trong độ tuổi từ 3 đến 18, thị trường giáo dục đào tạo K-12 của Trung Quốc, được chốt ở mức 31 tỷ USD, là thị trường lớn nhất thế giới. Quy mô thị trường kết hợp với mức độ sẵn sàng chi trả cao của các bậc cha mẹ Trung Quốc đã thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này, với nguồn vốn tài trợ chỉ riêng trong năm 2020 đã đạt hàng tỷ USD.

Nhưng, ngành công nghiệp Edtech rộng lớn đó đã vướng phải sự hỗn loạn về quy định, khi Bắc Kinh củng cố các chính sách của mình để giữ cho ngành trong tầm kiểm soát. 

Theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cho giai đoạn 2021-2025, Trung Quốc đặt mục tiêu thông qua việc “giảm gánh nặng giáo dục cho học sinh và nâng cao chất lượng giảng dạy ở trường”. Chính phủ nước này dự định điều chỉnh việc quản lý các cơ sở đào tạo ngoài trường, cũng như điều tra kỹ lưỡng và xử lý nghiêm khắc các cơ sở về các vấn đề như đội ngũ giảng viên không đủ tiêu chuẩn và trục lợi không đáng có, bao gồm cả việc thông đồng với các trường.

Các nhà quản lý Trung Quốc đã đề xuất một loạt các biện pháp quản lý như không cho phép các kế hoạch thanh toán dài hạn, kiểm tra các quảng cáo gây hiểu lầm, đặc biệt là những quảng cáo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của học sinh và phụ huynh. Họ cũng muốn hạn chế sự phát triển quá mức của các trung tâm dạy thêm sau giờ học và thắt chặt việc phê duyệt các môn học và giảng viên, để đảm bảo chỉ những chuyên gia có trình độ mới được phép dạy trực tuyến. 

Có thể thời gian tới sẽ là những tuần “tắm máu” các nền tảng Edtech và cung cấp một sự rõ ràng hơn về loạt chính sách cải cách. Tuy nhiên, điều này có vẻ đã được suy đoán từ việc sa thải nhân viên hàng loạt ở các công ty Edtech hàng đầu như GSX, ByteDance và Youdao.

Kể từ năm ngoái, ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc đã phải chịu một số cuộc đàn áp. Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã bị phạt 2,8 tỷ USD vào tháng 4 năm 2021 vì các hành vi độc quyền. 

Tencent, một trong những công ty công nghệ lớn nhất ở Trung Quốc vận hành nền tảng truyền thông xã hội thống trị WeChat của nước này, cũng đã bị các nhà quản lý cảnh báo về việc đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt luật chống độc quyền và xem xét đại tu bộ phận fintech của mình. 

Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, Yuanfudao và Zuoyebang - những kỳ lân Edtech có trụ sở tại Trung Quốc chuyên dạy kèm sau giờ học, đã bị phạt 400.000 USD mỗi công ty vì các chiến dịch quảng cáo sai sự thật và gây hiểu lầm.

Nguyên nhân chính được cho là do dữ liệu điều tra dân số Trung Quốc đã tiết lộ một số vấn đề cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách.

Năm 2020, Trung Quốc báo cáo tỷ lệ sinh là 11,4 trên 1.000 người, giảm 2,2% so với năm 2019. Điều này cho thấy độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc đang tăng lên, điều này đã cản trở lực lượng lao động của nước này. Một trong những lý do khiến dân số trẻ không muốn kết hôn, sinh con là do áp lực nuôi con trong thời gian gần đây.

Và chỉ bằng cách điều chỉnh ngành giáo dục, đặc biệt là ngành công nghệ giáo dục, chính phủ nước này đang cố gắng giảm áp lực lên phụ huynh và trẻ em, để họ cũng có thể thuyết phục thanh niên của đất nước không trốn tránh việc có gia đình.

Từ vấn đề của Trung Quốc có thể thấy, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Đông Nam Á cũng đang phải chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong hoạt động dạy thêm sau giờ học. 

Tại Việt Nam, mô hình edtech bắt đầu du nhập từ năm 2006, với những cái tên đầu tiên là Delta Việt của Dream Viet Education - DVE (sau đổi tên thành Kyna), hocmai.vn, violet.vn, FUNiX (FPT)... Các khóa học thời đó chủ yếu là kỹ năng mềm cho sinh viên. Sản phẩm được quay bằng máy quay phim, lưu lại trên máy chủ và phân phối qua nền tảng internet.

Thị trường Edtech Việt Nam năm 2020.

Thị trường Edtech Việt Nam năm 2020.

Nhưng, theo Ken Research, thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023. Với sự bùng nổ của internet và di động, Việt Nam được xem là một thị trường rất tiềm năng cho các mô hình Edtech tại khu vực. Ngoài các công ty trong nước, nhiều công ty nước ngoài cũng nhanh chóng nhận ra sự tiềm năng của Việt Nam. Một số cái tên lớn ở mảng Edtech đã có mặt ở Việt Nam có thể kể đến Snapask, Duolingo, Elsa và Ruangguru.

Tuy vậy, trong khi hệ thống giáo dục truyền thống có thể được cải cách theo thời gian, giáo dục trực tuyến vẫn đang là một khu vực tự do với các rào cản đầu vào thấp. Bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu và khởi chạy một nền tảng giáo dục trực tuyến, trình độ giáo viên được thuê một cách vội vàng mà không có quy trình kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng. 

Để giải quyết những vấn đề này, có nghĩa là sẽ phải thiết lập một cơ quan có thẩm quyền để quy định trình độ tối thiểu cho giáo viên, ngoài việc thiết lập chế độ cấp phép giống như liên kết hội đồng trong hệ thống trường học truyền thống và cấp giấy phép cho những giáo viên có thể thực hiện dạy thêm sau giờ học.

Đồng thời phải đặt ra những quy định về quảng cáo trong không gian Edtech là một mối quan tâm khác để đảm bảo không gây lừa dối hoặc gây hiểu lầm. Và việc dạy thêm sau giờ học, cần hạn chế đối với các gia đình khá giả, để không làm tăng thêm sự phân chia kinh tế xã hội. Có thể cần can thiệp vào cách định giá các khóa học, cùng với nội dung của các khóa học.

Với nhiều điểm tương đồng về văn hóa và thói quen chi tiêu cho giáo dục, có thể trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách về giáo dục của Việt Nam sẽ phải  cân nhắc, tìm hiểu những cách hạn chế một nền giáo dục đang còn nhiều bất cập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Trung Quốc mạnh tay đàn áp các công ty Edtech?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO