“Đến thời điểm này, yếu tố thị trường vẫn chưa thực sự minh bạch, rõ ràng và là động lực để thúc đẩy các nhà sản xuất quan tâm đầu tư vào sản xuất trang thiết bị y tế”.
Đây là chia sẻ của ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội với DĐDN khi nói về việc Việt Nam đang đứng ngoài thị trường thiết bị y tế có giá trị lên đến hàng tỷ USD.
Theo ĐBQH Trần Văn Lâm, ngành thiết bị y tế là ngành kỹ thuật công nghệ đòi hỏi kỹ thuật rất cao và tinh xảo. Với trình độ hiện nay, chúng ta chỉ có thể sản xuất được những sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật vừa phải.
- Thị trường thiết bị y tế lên đến hàng tỷ USD, nhưng tại sao chúng ta lại chưa thể khai thác được thị trường tiềm năng này, thưa ông?
Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng vốn đầu tư thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Tổng vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam năm 2010 ước đạt 515 triệu USD, đến năm 2016 tổng vốn đầu tư là 950 triệu USD và đến năm 2017 con số này tăng lên 1,1 tỉ USD.
Vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất kinh doanh là hiệu quả. Việt Nam có thể sản xuất một hệ thống máy móc đạt tiêu chuẩn châu Âu, nhưng giá thành có thể cạnh tranh nổi tại châu Âu hay không, thị trường có đủ lớn để kinh doanh hiệu quả không… thì đây là bài toán kinh tế. Cho nên, câu chuyện tập trung sản xuất hay nhập khẩu hiệu quả hơn thì cần phải tính toán.
- Được biết, đến nay Việt Nam mới chỉ sản xuất được những dụng cụ đơn giản như giường, tủ, banh, kéo… là những lĩnh vực chiếm tỷ lệ tài chính thấp. Nhưng sản phẩm này cũng chỉ chiếm từ 1,5 – 2% tổng thị phần sản xuất trong nước, thưa ông?
Tôi đánh giá, các nhà sản xuất trong nước đều nhìn thấy cơ hội. Nhưng vẫn còn có mấy yếu tố theo cá nhân tôi chưa thúc đẩy việc sản xuất thiết bị y tế trong nước.
Thứ nhất là thị trường. Hiện nay thị trường của Việt Nam tập trung chủ yếu tại những bệnh viện lớn và do nhà nước quản lý. Cơ chế quản lý các bệnh viện này như thế nào? Vẫn như trước đây, từ khâu mua sắm đến đấu thầu rất phức tạp, phiền hà.
Thứ hai, theo phỏng đoán của tôi, có thể nhiều khi họ mua theo ý chí chủ quan chứ không do cạnh tranh khách quan. Ý tôi muốn nói, đến thời điểm này, yếu tố thị trường vẫn chưa thực sự minh bạch, rõ ràng và là động lực để thúc đẩy các nhà sản xuất quan tâm đầu tư vào sản xuất trang thiết bị y tế.
Thứ ba, chỉ khi nào tất cả các yếu tố cạnh tranh đều được xem xét dưới góc độ thị trường thì khi đó mới có thể đánh giá chính xác thị trường này.
- Theo ông, thời gian tới các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế cần có định hướng như thế nào để không bị bỏ lỡ cơ hội tham gia vào một thị trường được cho là khá hấp dẫn này?
Không chỉ riêng lĩnh vực y tế, mà tất cả các lĩnh vực khác đều phải nghiên cứu để chọn ra trong chuỗi giá trị toàn cấu khâu nào phù hợp và có thể tham gia hiệu quả nhất thì lựa chọn.
- Xin cảm ơn ông!