Vì sao Vietnam Airlines "lấn sân" sàn thương mại điện tử?

KHÁNH HÀ 08/01/2022 06:40

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chính thức ra mắt 3 sản phẩm mới trong hệ sinh thái dịch vụ của hãng, trong đó có 2 sàn thương mại điện tử...

>>>Logistics - mắt xích quan trong trong cuộc đua thương mại điện tử

Vietnam Airlines ra mắt hai sàn thương mại điện tử với mục tiêu trở thành hãng hàng không công nghệ số.

Chưa từng có tiền lệ

Hai sàn thương mại điện tử mới được Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) mới cho ra mắt gồm, sàn VNAMAZING và sàn VNAMALL. Đây là những sản phẩm được giới thiệu là chưa từng có tiền lệ trong ngành hàng không.

VNAMAZING chuyên cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến, như tour trong, ngoài nước, combo vé máy bay – khách sạn… Với sự hiện diện của nhiều thương hiệu lớn đã ký kết hợp tác toàn diện với Vietnam Airlines, VNAMAZING được giới thiệu sẽ mang đến cho hành khách những lựa chọn phong phú, góp phần kích cầu du lịch hậu đại dịch Covid-19.

Còn VNAMALL định vị là sàn thương mại điện tử cung cấp đa dạng các loại hàng hóa, dịch vụ cả hàng không và phi hàng không.

VNAMALL là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam được vận hành bởi một hãng bay, do đó, VNAMALL có được lợi thế rất lớn từ mạng lưới logistic đường không rộng lớn và đối tác trên phạm vi toàn cầu. Khách hàng có thể đặt mua và trải nghiệm danh sách mặt hàng hơn 300 sản phẩm từ những nhà cung cấp , đối tác liên kết của hãng hàng không quốc gia.

Theo đại diện Vietnam Airlines, khách hàng sẽ tìm được nhiều sản phẩm, từ “ẩm thực trên mây” như rượu vang hạng Thương gia, món tráng miệng, món ăn nhẹ trên chuyến bay đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu mang đậm dấu ấn hàng không.

Trong tương lai, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục mở rộng các loại mặt hàng và phạm vi hoạt động của hai sàn thương mại điện tử. Mục tiêu không chỉ nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của khách hàng, mà còn là kênh bán có sức tiếp cận và kết nối mạnh mẽ hàng hóa, dịch vụ nổi bật của Việt Nam như nông sản thế mạnh của vùng miền hay những tour trải nghiệm cuộc sống địa phương.

Theo đại diện Vietnam Airlines, do ảnh hưởng của đại dịch, trong năm 2021, hãng hàng không này lỗ xấp xỉ 12.907 tỷ đồng. Vietnam Airlines cũng lên kế hoạch bán hàng chục tàu bay.

Tại đại hội cổ đông năm 2021, Vietnam Airlines đã thông qua những định hướng lớn trong đề án tái cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, sửa đổi ngành nghề kinh doanh và điều lệ của doanh nghiệp này. Phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả lĩnh vực, gồm 7 nhóm giải pháp.

Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.

kết quả của sức ép chuyển đổi số

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam (TMĐT) ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.

  • Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên thương mại điện tử - kinh tế số
  • Sôi động thị trường thương mại điện tử dịp cuối năm

Mặc dù gặp những ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2020 do đại dịch COVID-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng tốc mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thị trường TMĐT càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường. Thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang hình thức mua hàng online thông qua phương tiện điện tử. Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2020, Việt Nam có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu này năm 2016 mới chỉ ghi nhận 32,7 triệu người).

Đồng thời với đó, TMĐT giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nhấn mạnh phát triển thương mại điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietnam Airlines hiện nay

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà nhấn mạnh phát triển thương mại điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vietnam Airlines hiện nay

Lý giải về những sản phẩm chưa từng có "tiền lệ" trong ngành hàng không, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, do sức ép từ xu thế chuyển đổi số của thế giới, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quá trình số hóa phải được thực hiện nhanh hơn.

"Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều nhằm tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp. Do đó, sàn thương mại VNAmazing ra đời hướng đến tất cả các đối tượng khách hàng có nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí...; VNAmall mang đến những sản phẩm độc đáo mang đậm dấu ấn hàng không"- ông Hà cho biết.

Trả lời câu hỏi trong bối cảnh doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dòng tiền đang rất khó khăn, vì sao Vietnam Airlines lại quyết định đầu tư thêm mảng kinh doanh mới? Bài toán kinh tế được tính toán ra sao? Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết Hãng đang tiến hành tái cơ cấu toàn diện, có những bộ phận, lĩnh vực sẽ được tinh gọn nhưng có những lĩnh vực cần đầu tư thêm.

Trên thế giới đã có những hãng hàng không lớn đầu tư và có hiệu quả như Korean Air, Air New Zealand... Cùng với dòng chảy mạnh mẽ của công nghệ, Vietnam Airlines đang từng bước phát triển chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa và công nghệ hóa các dịch vụ.

"Thực tế, VNAmall tập trung khai thác được tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế sẵn có của Vietnam Airlines, và hãng không cần đầu tư tài chính lớn. Chúng tôi kỳ vọng VNAmall sẽ đóng góp doanh thu tăng thêm cho cả 2 lĩnh vực khách hàng và hàng hóa, góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua những khó khăn vì đại dịch và nắm bắt cơ hội hậu Covid-19"- CEO Vietnam Airlines lý giải.

Ông Hà cũng cho biết từ trước đến nay, phân khúc khách hàng của Vietnam Airlines là khách hàng truyền thống, đây cũng là cách làm để hãng hướng tới lượng khách hàng tiềm năng, đặc biệt là các khách hàng trẻ.

"Trong tương lai, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục mở rộng các loại mặt hàng và phạm vi hoạt động của hai sàn TMĐT. Mục tiêu không chỉ nhằm đa dạng hóa trải nghiệm của khách hàng, mà còn là kênh bán có sức tiếp cận và kết nối mạnh mẽ hàng hóa, dịch vụ nổi bật của Việt Nam như nông sản thế mạnh của vùng miền hay những tour trải nghiệm cuộc sống địa phương. Qua đó, Vietnam Airlines mong muốn chung tay đưa những sản phẩm Việt đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế"- Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết.

Ông Quang thông tin thêm các sản phẩm được cung ứng trên sàn TMĐT của hãng được Vietnam Airlines chọn lọc, bảo đảm chất lượng từ khâu cung ứng đến chất lượng sản phẩm, giao hàng nhanh. "Giá thành sản phẩm hợp lý để khách hàng trải nghiệm, chứ chúng tôi không cạnh tranh với Shopee, Lazada"- ông Quang cho biết

Nếu khách hàng sử dụng bất kỳ sản phẩm nào trên sàn TMĐT của hãng đều được cộng điểm để trở thành khách hàng thường xuyên của Vietnam Airlines.

"Quá trình chạy thử nghiệm, chúng tôi đã có hơn 10.000 đơn hàng. Khách hàng ở Việt Nam có thể đặt hàng từ nhiều nơi trên thế giới, tận dụng được khả năng kết nối của mạng bay rộng khắp gần 100 đường bay trong và ngoài nước của Vietnam Airlines."- bà Phạm thị Nguyệt, quyền trưởng ban tiếp thị sản phẩm của Vietnam Airlines, cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Vietnam Airlines “mạnh tay” tái cấu trúc

    Vietnam Airlines “mạnh tay” tái cấu trúc

    04:30, 02/01/2022

  • Vì sao Vietnam Airlines

    Vì sao Vietnam Airlines "lấn sân" sàn thương mại điện tử?

    00:40, 15/12/2021

  • Vietnam Airlines và NovaGroup ký kết hợp tác toàn diện

    Vietnam Airlines và NovaGroup ký kết hợp tác toàn diện

    21:34, 10/12/2021

  • Vietnam Airlines và Vinpearl ký kết hợp tác phát triển sản phẩm hàng không - du lịch an toàn

    Vietnam Airlines và Vinpearl ký kết hợp tác phát triển sản phẩm hàng không - du lịch an toàn

    16:03, 09/12/2021

  • Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ

    Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ đầu tiên đến Mỹ

    21:00, 29/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao Vietnam Airlines "lấn sân" sàn thương mại điện tử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO