Gần nửa thế kỷ thống nhất đất nước, Việt Nam từ một quốc gia tranh thủ từng tiếng nói ủng hộ của quốc tế đến vị thế của đất nước những đóng góp ngày một lớn cho cộng đồng thế giới.
Việt Nam đã trở thành quốc gia có tiếng nói nhất định trên trường quốc tế.
>>47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Nội lực niềm tin
>>47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Phát huy sức mạnh của thể thống nhất
Hơn 10 năm sau chiến tranh, Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986). Từ đó đến nay, sau hơn 35 năm Đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn với thế và lực ngày càng mạnh hơn bao giờ hết.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 11/7/1995, từ Nhà trắng, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố “bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ”. Đây là cột mốc quan trọng của lịch sử Việt Nam.
Vì sao sự kiện này trở nên quan trọng? Đây là cú mở nút thắt để Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của thế giới, đả thông bầu không khí kinh tế - xã hội ngột ngạt trong nước sau thời gian dài nội lực đất nước bị bào mòn vì cấm vận.
Kinh tế phát triển, lành mạnh hóa thị trường, cải cách thể chế, tiếp cận nguồn lực bên ngoài,… đã thay đổi toàn diện và sâu sắc bộ mặt quốc gia. Qua đó, giúp bảo vệ và gìn giữ thành quả cách mạng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Dấu ấn Việt Nam càng được khẳng định trong năm thứ hai nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Với bài học lịch sử, Hà Nội đã mang đến Liên Hợp Quốc tinh thần ý tưởng độc lập, tự chủ, tích cực,…được coi trọng, là điểm đến gắn kết hòa bình. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có bài phát biểu tại Tuần lễ cấp cao Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. Đó là một bài luận rút ra từ đại dịch COVID-19, đề xuất sáng kiến phân phối vaccine, giành ưu tiên cho những quốc gia yếu thế, thúc đẩy hữu nghị và phát triển bền vững.
Và, rất nhiều sự kiện có tiếng nói Việt Nam trên bàn nghị sự, như COP26, APEC, CPTPP, ASEAN, Davos, WEF. Từ một quốc gia từng bị đẩy về một cực trong chiến tranh lạnh, Việt Nam đã chứng minh rằng, quyền tự quyết đường lối chính trị không ảnh hưởng đến thái độ quốc gia ấy đối với những vấn đề chung.
Mới đây, đoàn chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam lên đường đến châu Phi làm nhiệm vụ quốc tế. Đó là một trong những đóng góp thiết thực nhất của chúng ta với vấn đề toàn cầu đang xảy ra ở “lục địa đen”.
Hơn tất cả, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế của mình hơn trong mắt cộng đồng quốc tế. Liên tục thăng hạng trong nhiều lĩnh vực, như: Chỉ số quyền lực châu Á 2020; chỉ số quyền lực “mềm” toàn cầu 2021; chỉ số phục hồi COVID-19; chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo; chỉ số hạnh phúc toàn cầu, chỉ số tín nhiệm quốc gia,…
Đơn cử, theo báo cáo từ Brance Finance, năm 2021, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỉ USD, duy trì thứ hạng 33 thế giới.
Bên cạnh đó, Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Việt Nam đã cải thiện 28 bậc trong bảng "Chỉ số phục hồi COVID-19" do Nikkei công bố trong tháng 1/2022 nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine nằm trong Top đầu thế giới và những tín hiệu mở cửa du lịch. Đại diện Tổ chức Y tế (WHO) bày tỏ hy vọng mô hình “Qũy vaccine” của Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam “là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch COVID-19”.
Cũng nhờ những nỗ lực vượt bậc, Việt Nam đã được nâng điểm xếp hạng tín nhiệm từ mức BB- lên BB bởi S&P vào tháng 4 năm 2019. Đó là lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
Trong cuộc chạy đua cách mạng 4.0, Việt Nam cũng đang có những bước tiến bền vững. Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ do Oxford Insights (Anh) kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada (IDRC) thực hiện, 2021 là năm đầu tiên điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 51,82, vượt qua ngưỡng trung bình 47,42 điểm của thế giới.
Đóng góp cho cộng đồng quốc tế, không chỉ là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi quốc gia tồn tại trên địa cầu. Với Việt Nam, ấy cũng là phương sách đối ngoại “cho đi rồi nhận lại”, còn là ý chí, nguyện vọng của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trên tất cả, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2022 cũng ghi nhận sự tăng hạng của Việt Nam. Đánh giá về "Hạnh phúc" cơ bản dựa vào các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Cùng với đó là độ rộng lượng của cộng đồng và người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Dữ kiện trên ngầm đã khẳng định thông điệp: Các quốc gia, dù chọn cho mình bất cứ chế độ chính trị nào, cũng hoàn toàn có thể chung sống hòa bình, cùng chung tay vì một thế giới văn minh tiến bộ và vì một cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người dân trên trái đất.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 30/04/2022
05:20, 30/04/2022
05:10, 30/04/2022
05:10, 30/04/2022
05:00, 30/04/2022