Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM).
Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng với nội dung về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của VICEM nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Bình luận về vấn đề đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhìn từ câu chuyện VICEM, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, không phải là kiểm soát hay giám sát mà cần phải kiên quyết cấm các DNNN Việt Nam đầu tư ngoài ngành.
Bởi bản chất của khu vực DNNN là được Nhà nước cấp vốn và các điều kiện khác để hoạt động trong những lĩnh vực mà các doanh nghiệp phi nhà nước không được, không thể hay không muốn tham gia chứ không phải là DNNN cũng chạy theo lợi nhuận, càng không phải là DNNN sử dụng vốn được giao hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn so với doanh nghiệp phi Nhà nước. “Việc cấm các DNNN không được đầu tư ngoài ngành liên quan tới vai trò chức năng của DNNN chứ không phải là do DNNN đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, thua lỗ hay đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... “, ông Ánh nói.
Tuy nhiên, theo ông Ánh, việc hạn chế tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của DNNN dựa trên tổng vốn đầu tư hay vốn điều lệ được nhà nước giao không những đi ngược lại bản chất của DNNN mà còn tạo ra nhiều kẽ hở để lợi dụng “qua mặt” cơ quan giám sát tài chính DNNN.
Đơn giản là các DNNN chỉ hoạt động trong những lĩnh vực gần như không có sự tham gia của các doanh nghiệp phi nhà nước. Nói cách khác, trong những lĩnh vực độc quyền nhà nước mà trọng tâm là không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp và sẵn sàng xoá bỏ độc quyền nhà nước, chuyển hoạt động từ DNNN sang cho các doanh nghiệp phi nhà nước khi có đủ điều kiện, để dành phần vốn nhà nước cho những lĩnh vực khác.
“Những bất cập hạn chế của không ít DNNN trong thời gian qua có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý, thiếu cơ chế giám sát, cơ chế quy định trách nhiệm cụ thể đối với các cấp lãnh đạo DNNN cũng như các cấp cơ quan quản lý DNNN. Trong tiến trình cơ cấu lại DNNN chúng ta phải khắc phục được nhược điểm này. Quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của lãnh đạo DNNN là một trong những nội dung then chốt của cơ chế quản lý, giám sát DNNN”, ông Ánh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm