Việc mua lại thương hiệu nội y AdoreMe thể hiện sự linh hoạt của Victoria’s Secret trong việc thích ứng với các mô hình kinh doanh, đặc biệt là nhìn nhận được sức mạnh của dịch vụ thuê bao sản phẩm.
>>Victoria’s Secret lại "lối cũ ta về"?
Victoria’s Secret vừa công bố mua lại hãng nội y D2C (Direct to Customer - Bán trực tiếp tới người tiêu dùng) AdoreMe với giá 400 triệu đô. Mô hình kinh doanh chính của hãng AdoreMe là thuê bao dịch vụ. Tức là khách hàng sẽ đăng ký dịch vụ hằng tháng, nhận đồ được chuyển về tận nhà và quyết định xem nên giữ lại hoặc gửi trả món đồ. Thuê bao là một kênh bán lẻ khá được chú ý trong thời kỳ đại dịch nhưng không phải nhà bán lẻ nào cũng thực hiện.
Vậy thì mô hình thuê bao có gì hấp dẫn nhà bán lẻ?
Theo như Tyler Williams, Giám đốc Trải nghiệm Thương hiệu của Zappos, thì trong tự nhiên, thứ tồn tại được không phải là thứ mạnh nhất, nhanh nhất, mà là thứ dễ thích ứng được. Trong kinh doanh hiện nay, thích ứng là điều cực kỳ quan trọng, bởi vì chi phí marketing đang tăng chóng mặt.
Thế nhưng không phải ai cũng biết được rằng bán sản phẩm bằng dịch vụ thuê bao là một cách để tiết kiệm chi phí marketing. Thậm chí có những người nghĩ rằng thuê bao không liên quan gì đến kênh bán lẻ.
Vậy nên việc mua lại AdoreMe cho thấy Victoria Secret có tư duy linh hoạt, và họ cũng nhận định được rằng thuê bao cũng là một kênh bán hàng.
Hay như cách mà Ruth Bernstein, Tổng giám đốc của công ty truyền thông quảng cáo Yard NYC, mô tả rằng thương hiệu là các sinh vật sống, do đó doanh nghiệp nên dùng tất cả những loại phương tiện và nền tảng, không nên bó buộc trong định nghĩa rằng bán hàng chỉ có thể là bán ở cửa hàng, bán D2C hay thuê bao, mà phải luôn phát triển để thích nghi với những thay đổi mới.
>>Victoria’s Secret vừa rút lui, Playboy lập tức "xí" chỗ
Không chỉ là một kênh bán hàng, mà nhiều người trong nghề còn cho rằng thuê bao là cách để kết nối với khách hàng. Jennifer Peters, quản lý mảng DTC của thương hiệu vitamin Olly (hiện nay thuộc Unilever), nhận định rằng thuê bao là “một đẳng cấp khác của trải nghiệm dịch vụ khách hàng”, khiến khách hàng cảm thấy mình là người đặc biệt. Chẳng hạn bằng cách tặng thêm một sample hàng nào đây bên cạnh mặt hàng chính mà khách hàng được nhận khi đăng ký dịch vụ.
Trên thực tế, kết nối với khách hàng luôn là mục tiêu tối ưu của tất cả chiến dịch marketing. Nhiều doanh nghiệp yêu thích các công cụ hình thức marketing online vì chúng dễ đo lường, cho ra các kết quả cụ thể như bao nhiêu người click vào, bao nhiêu người mua hàng từ đường link. Thế nhưng trên thực tế điều này đôi khi khiến doanh nghiệp vô tình quên đi mục tiêu cao nhất: kết nối với khách hàng.
Dĩ nhiên, dịch vụ thuê bao không phải là giải pháp cho tất cả mọi thứ, tuy nhiên vẫn là một kênh bán hàng đáng thử. Nếu các tính năng của gói thuê bao, ví dụ như điều chỉnh tần suất giao hàng hoặc chính sách hủy đăng ký, thân thiện và dễ dùng, thì người dùng sẽ nhanh chóng gắn bó.
Vậy những thứ gì phù hợp để kinh doanh theo kiểu thuê bao? Không chỉ là nội y, đa số các mặt hàng xuất hiện trong siêu thị đều thích hợp đi theo con đường thuê bao, từ vật dụng ở nhà như gia vị, kem đánh răng, sản phẩm giặt rửa, cho đến những món đồ cho trẻ em. Hay nói cách khác, thứ nào mà người dùng thường xuyên mua lặp đi lặp lại, thì đều rất phù hợp với mô hình thuê bao.
Vậy nên nếu biết suy nghĩ linh hoạt về dịch vụ thuê bao và tích hợp vào các công cụ kinh doanh, thì doanh nghiệp sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho bản thân. Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, khi không phải đơn vị nào cũng nắm bắt được loại hình thuê bao dịch vụ, thì ai đến trước, người đó sẽ nắm lợi thế.
Đó có lẽ là nguyên nhân khiến VS mua lại AdoreMe, tận dụng thời cơ khi miếng bánh thuê bao dịch vụ vẫn còn rất dồi dào để đánh chiếm thị trường. Và trong tương lai, thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ mua lại kiểu như vậy, và dịch vụ thuê bao sẽ mở rộng hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm