Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Trao đổi với báo chí ngày 13/11 liên quan đến phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Về vấn đề này, phía Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này”.
Bà Hằng khẳng định: “Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Việt Nam mong muốn Trung Quốc cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của quan hệ hai nước, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực”.
Có thể bạn quan tâm
00:15, 02/11/2019
10:44, 31/10/2019
14:25, 30/10/2019
20:15, 15/10/2019
22:33, 25/09/2019
Trước đó, Tại Hội nghị quan chức cao cấp ASEAN -Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM-DOC) lần thứ 18 kết thúc tại Đà Lạt ngày 15/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng đã nhấn mạnh các hành vi vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và an ninh ở khu vực, không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.
Mặc dù không giữ vai trò chủ toạ, song phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã làm rõ về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã nêu bật lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Đáng chú ý, trước sự hiện diện của 9 nước ASEAN còn lại và Trung Quốc, đoàn Việt Nam nhấn mạnh hành vi vi phạm của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình và an ninh ở khu vực, đặc biệt không tạo bối cảnh thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc (COC).
Khẳng định cam kết đối với tiến trình thực hiện DOC và xây dựng COC, đoàn Việt Nam cũng nhấn mạnh tình hình hiện nay càng cho thấy tính cấp thiết của việc có một bộ quy tắc ứng xử hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, giúp ngăn ngừa các vụ việc tương tự trong tương lai.
Theo đó, đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm cải tiến phương cách làm việc cho các vòng đàm phán sắp tới, trong đó có việc tập trung xử lý những vấn đề mang tính chính sách, nâng cao vai trò của các quan chức cao cấp (SOM) trong việc chỉ đạo và định hướng cho tiến trình đàm phán.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: “Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra”.
Bình luận về vấn đề này, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự tại đại học New South Wales cho rằng, yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là thông điệp rõ ràng cho thấy Việt Nam không lùi bước trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ ở Biển Đông trước tham vọng phi lý của Trung Quốc.
Giáo sư Thayer nêu rõ: “Việt Nam đang đứng trước thách thức là sự hiện diện dự kiến sẽ kéo dài của các tàu Trung Quốc ở nhiều địa điểm trên vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc có thể âm mưu triển khai một giàn khoan dầu lớn trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khi các tàu khác của Bắc Kinh vẫn tiếp tục cản trở hoạt động hợp tác thăm dò dầu khí của Việt Nam với các đối tác nước ngoài”.
Trong bối cảnh đó, theo giáo sư Thayer, Việt Nam có thể giành được sự ủng hộ từ các nước láng giềng bao gồm Philippines, Malaysia và Brunei – những quốc gia cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng phô diễn sức mạnh cơ bắp với lực lượng áp đảo.