Kinh tế

Việt Nam bứt tốc trong ngành bán dẫn

Lê Trà My 04/05/2025 05:00

Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang tái định hình chuỗi cung ứng công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn, “trái tim” của nền kinh tế số, Việt Nam đang đứng trước một thời cơ vàng.

Việc được chọn là một trong sáu quốc gia tham gia Đạo luật CHIPS của Mỹ không chỉ là lời khẳng định về vị thế chiến lược, mà còn mở ra cánh cửa để Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để cơ hội hóa thành hiện thực, Việt Nam cần một chiến lược phát triển bài bản, dài hơi và toàn diện từ hạ tầng, nhân lực đến thể chế.

Ngành bán dẫn đang bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ khi các thiết bị điện tử, xe tự hành, trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí công nghệ cao đều phụ thuộc vào vi mạch. Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến các tập đoàn công nghệ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế Trung Quốc trong mắt các “ông lớn” toàn cầu.

bandan.jpg
Ngành bán dẫn tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện cả nước có 174 dự án FDI liên quan đến bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Những tên tuổi lớn như Samsung, Intel, Amkor… đã và đang đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, biến TP.HCM, Bắc Ninh, Đà Nẵng hay Bắc Giang thành các “cứ điểm” sản xuất và lắp ráp chip. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước như FPT, Viettel, Vingroup hay CMC cũng đã bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế, từng bước đưa Việt Nam len sâu vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Không thể không nhắc đến vai trò của Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn. Diễn đàn chính sách tháng 3/2025 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị: nhân lực là thách thức lớn nhất nhưng cũng là mũi nhọn cần tập trung đầu tư. Việc đặt mục tiêu đào tạo 100.000 kỹ sư ngành bán dẫn và AI trong thời gian tới là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn này.

Dù cơ hội rộng mở, nhưng nếu không có chiến lược đúng đắn, Việt Nam có thể chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp giá trị thấp. Để vươn lên làm chủ công nghệ, từng bước chuyển từ “gia công” sang “thiết kế”, từ “sản xuất theo đặt hàng” sang “sáng tạo và phát triển sản phẩm”, Việt Nam cần một kế hoạch bài bản ở ba trụ cột: hạ tầng, nhân lực, chính sách.

Thứ nhất, về hạ tầng, ngành bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi môi trường sản xuất cực kỳ nghiêm ngặt với các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, chống bụi, nhiễu điện từ… Các khu công nghiệp cần được đầu tư bài bản về điện, nước, logistics và hệ thống phòng sạch đạt chuẩn quốc tế. Không thể thu hút nhà đầu tư nếu thiếu những “địa chỉ đỏ” đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Thứ hai, về nhân lực, như ông Christopher Nguyễn - đồng sáng lập Aitomatic nhận định, Việt Nam có dân số trẻ, tiếp thu công nghệ nhanh nhưng vẫn thiếu hụt nghiêm trọng kỹ sư trình độ cao. Đào tạo đại học hiện nay chưa đủ để tạo ra những chuyên gia thiết kế chip, chuyên viên vật liệu bán dẫn hay kỹ sư thiết bị fab có thể làm việc ngay. Đào tạo thực chiến, học đi đôi với hành, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai cũng là chìa khóa để nhân lực Việt Nam dễ dàng hội nhập với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Thứ ba, về chính sách, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, thân thiện, có tính cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư bán dẫn toàn cầu. Việc nhanh chóng hoàn thiện cơ chế bảo vệ sở hữu trí tuệ, quy định về an toàn dữ liệu, ưu đãi thuế, hỗ trợ R&D… là những yếu tố mang tính sống còn. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cũng cần cải cách mạnh mẽ để rút ngắn thời gian cấp phép, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dễ dàng hơn vào lĩnh vực còn mới mẻ và phức tạp này.

Ngành bán dẫn không đơn thuần là một ngành công nghiệp, mà còn là trụ cột chiến lược về an ninh, quốc phòng, khoa học, công nghệ của mỗi quốc gia. Nắm được năng lực sản xuất bán dẫn đồng nghĩa với việc nắm quyền kiểm soát trong thế giới số. Với Việt Nam, việc phát triển ngành này không chỉ là để tăng trưởng kinh tế, mà còn để gia tăng vị thế trên bản đồ địa chính trị công nghệ toàn cầu.

Trong xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng, nếu Việt Nam tận dụng tốt thời cơ này để nâng cấp nền công nghiệp, vươn lên làm chủ công nghệ, chúng ta có thể trở thành “trung tâm bán dẫn mới của châu Á”, một vị thế vốn chỉ dành cho những quốc gia đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan hay Singapore.

Thành công không đến sau một đêm, nhưng nếu có sự đồng lòng từ nhà nước, doanh nghiệp và giới học thuật, đi kèm là chiến lược rõ ràng, dài hạn và linh hoạt, thì giấc mơ “bán dẫn Việt Nam” hoàn toàn có thể trở thành hiện thực trong 10-15 năm tới.

Khởi công nhà máy chip bán dẫn đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ

Ngày 30/4, CT Semiconductor (thành viên Tập đoàn CT Group) đã khởi công giai đoạn 2 lắp đặt dây chuyền sản xuất nhà máy chip ATP, trở thành nhà máy ATP đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ…

Với số vốn đầu tư cho giai đoạn 2 gần khoảng 100 triệu USD, nhà máy chip ATP (Assembly, Test and Packaging - bao gồm kiểm tra chất lượng, đóng gói và kết nối chip vào các bo mạch điện tử) dự kiến sẽ đi vào vận hành ngay trong quý 4/2025 và đạt công suất đến công suất 100 triệu chip/năm vào 2027.

Điểm nhấn nổi bật của dự án chính là việc công nghệ lõi được làm chủ bởi đội ngũ chuyên gia người Việt. Đây là lần đầu tiên một nhà máy OSAT (lắp ráp, đóng gói và kiểm định chip) 100% vốn Việt Nam có thể thực hiện toàn bộ quy trình công nghệ một cách độc lập, không phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Ông Azmi Bin Wan Hussin Wan, Giám đốc vận hành CT Semiconductor, nhấn mạnh: “Đến tháng 9/2025, con chip đầu tiên được lắp ráp, đóng gói và kiểm định hoàn toàn tại Việt Nam sẽ ra đời từ dây chuyền này. Đó sẽ là sản phẩm Made-by-Vietnam đúng nghĩa, thể hiện trí tuệ và tiềm năng vô hạn của người Việt. Nhà máy ATP không chỉ là một công trình công nghiệp, mà còn là biểu tượng cho khát vọng vươn lên của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành bán dẫn".

Không chỉ đóng vai trò trong sản xuất, nhà máy còn là trung tâm kết nối các dự án công nghệ cao trong hệ sinh thái của CT Group như UAV, AI, tàu điện và các công nghệ năng lượng mới. Đồng thời, nhà máy dành hơn 10% ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tập trung vào các hướng công nghệ mới như GaN, Photonic, Advanced Packaging và thiết kế chip cho các ứng dụng AI, 6G, thiết bị bay không người lái.

Sự kiện khởi công xây dựng nhà máy bán dẫn đầu tiên của Việt Nam là bước tiến lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm của doanh nghiệp Việt góp phần hiện thực hóa Quyết định số 1017/QĐ-TTg của Chính phủ và Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, nhà máy bán dẫn CT Semiconductor đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp chip tại Việt Nam với ngân sách đầu tư cho R&D trên 10% vốn và doanh thu, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam bứt tốc trong ngành bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO