Trước xu thế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước có thể tính đến việc Việt Nam có tiền kỹ thuật số quốc gia...
Theo đó, iền kỹ thuật số quốc gia sẽ là xu hướng cần thay vì chấp nhận các đồng tiền kỹ thật số “vô chính phủ” như một đồng tiền chính thống.
Đây là quan điểm của ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khi trao đổi với DĐDN về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sắp đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
- Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có khái niệm chính thức về "tiền kỹ thuật số quốc gia”. Ông đánh giá như thế nào về việc NHNN đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia?
Xu thế thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền kỹ thuật số phải đảm bảo chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tiền tệ. Nếu tiền dưới dạng điện tử như Bitcoin hay như một số đồng tiền kỹ thuật số khác, theo quan điểm của tôi là không nên thừa nhận và không được chấp nhận thanh toán.
Về quản lý nhà nước, bây giờ để hình thành hành lang quản lý nhà nước tiền kỹ thuật số sẽ là trở ngại. Bởi nếu chúng ta chấp nhận tiền kỹ thuật số thì sẽ có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế, đặc biệt về tỉ giá.
Đơn cử, với sự lên xuống “thất thường” của Bitcoin sẽ rất dễ tạo “bong bóng”, có thể dẫn đến sự sụp đổ bất cứ lúc nào và nguy hiểm hơn là ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Do luật pháp không thừa nhận nên sự tồn tại của đồng tiền này là không nhiều, nếu xảy ra biến động thì phạm vi tác động đến nền kinh tế còn nhỏ. Nhưng nếu chúng ta chấp thuận như một đồng tiền chính thống được lưu hành trên thị trường Việt Nam, thì đồng tiền này sẽ tác động rất lớn đến yếu tố vĩ mô, trong đó có tỉ giá, lạm phát.
- Ông đánh giá như thề nào về trách nhiệm của NHNN trước xu thế tiền kỹ thuật số cần được phát hành tại Việt Nam?
NHNN có trách nhiệm về việc điều hòa hệ thống huyết mạch tiền tệ lưu thông cho nền kinh tế. Khi xuất hiện đồng tiền kỹ thuật số mang yếu tố tự phát mà NHNN không quản lý có nghĩa là chúng ta đã buông lỏng một lĩnh vực mới nảy sinh.
Còn nếu muốn thừa nhận sự tồn tại của đồng tiền kỹ thuật số thì NHNN phải lường hết được các yếu tố rủi ro tác động đến nền kinh tế. NHNH phải là cơ quan chủ trì, tham mưu cho Chính phủ về cách ứng xử với xu thế phát triển của đồng tiền kỹ thuật số ở Việt Nam.
Ví dụ, chúng ta cần có tiền kỹ thuật số quốc gia để lưu hành hợp pháp trên thị trường, được nhà nước bảo lãnh, bảo đảm thì có thể được chuyển đổi đối với các ngoại tệ khác của các nước khác. Nhưng nếu sử dụng đồng tiền kỹ thuật số không phải do chúng ta tạo ra và phát hành, như việc chấp nhận đồng USD, đồng Yên trong giao dịch ngoại hối chuyển đổi ngoại tệ thì nên tránh.
- Như vậy, quan điểm của ông là chỉ chấp nhận tiền kỹ thuật số do chúng ta tạo ra?
Đồng tiền kỹ thuật số chỉ thực sự được khuyến khích sử dụng trong trường hợp đồng tiền đó được đảm bảo bởi một nhà nước, một quốc gia về giá trị của nó mà không phải “trôi nổi” trên thị trường một cách vô định như một số các đồng tiền kỹ thuật số do các giới đầu cơ đang thực hiện.
Trong giai đoạn hiện nay chúng ta cần cương quyết không chấp nhận sự tồn tại của các đồng tiền kỹ thuật số “vô chính phủ”. Mặt khác, luật pháp của chúng ta cũng phải tiến tới hình thành đồng tiền kỹ thuật số của quốc gia Việt Nam - tất nhiên việc này cũng cần phải trải qua các bước thử nghiệm.
Đây là bước đi quan trọng để hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề là các cơ chế chính sách tiền tệ phải được quản lý để ổn định giá trị đồng tiền, được thừa nhận trên thị trường quốc tế và có khả năng chuyển đổi sang các đồng tiền khác.
Việc này hoàn toàn khả thi khi chúng ta thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển sang thanh toán bằng tiền kỹ thuật số.
- Trân trọng cảm ơn ông!
TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: Việc triển khai tiền kỹ thuật số sẽ giúp tạo ra nhiều ích lợi. Cụ thể, tiền điện tử sẽ có độ an toàn, tin cậy và bảo mật cao nhờ công nghệ chuỗi khối (blockchain) có thể truy xuất lịch sử giao dịch. Khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo ra cuộc cách mạng toàn cầu về thanh toán vì các giao dịch sẽ được thực hiện đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp và không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Bên cạnh đó, tiền kỹ thuật số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử. Bà Phạm Thị Thái Hà - Khoa Tài chính Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành: Việc nghiên cứu triển khai tiền kỹ thuật số của Việt Nam hiện nay sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi. Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán số tại Việt Nam đang phát triển. Nếu tiền kỹ thuật số pháp định được triển khai sẽ thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tiếp cận đầu tư và sử dụng tiền kỹ thuật số trong các hoạt động kinh tế. Việc sử dụng tiền kỹ thuật số do NHTW phát hành sẽ giải quyết được nhu cầu thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng. |