Việc định hướng phát triển ngành sản xuất hydrogen, amonia xanh là cơ hội để Việt Nam hình thành một ngành kinh tế mới, thu hút vốn đầu tư tư nhân và FDI chất lượng cao.
>>Năng lượng sạch thắp sáng đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) chia sẻ với DĐDN về chiến lược phát triển nguồn năng lượng mới tại Việt Nam.
-Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển hydrogen, amonia xanh trong quá trình dịch chuyển năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới đây?
Như chúng ta đã biết, việc phát triển xanh và bền vững đã được nêu ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để triển khai nghị quyết, tháng 5/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch tổng sơ đồ điện VIII, trong đó có nêu rõ từ nay đến năm 2030 Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển năng lượng sạch.
Trong lộ trình đến năm 2045, để thực hiện phát thải bằng 0 hay trung hoà phát thải, đến năm 2050 phải trung hoà phát thải thì việc triển khai các bước thực hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Một trong những nội dung được ghi rõ trong quy hoạch điện VIII là phát triển hệ thống lưu trữ và tích trữ năng lượng. Đây là vấn đề rất mới đối với Việt Nam cũng như thế giới.
Xuất phát từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy với năng lượng xanh, đặc biệt là điện mặt trời như ở Việt Nam hiện nay, việc phát triển công nghệ lưu trữ là hướng đi đúng để giải quyết các khó khăn khi hết giờ cao điểm thì các hệ thống năng lượng tái tạo không hoà được vào lưới.
Vấn đề đang được đặt ra hiện nay là khi hết giờ nắng cao điểm thì hệ thống năng lượng tái tạo không hoà được vào lưới, từ đó tạo ra khoảng cách mất an toàn rất lớn cho an ninh hệ thống điện.
Do đó, nếu xử lý được khâu này thì chúng ta sẽ đồng thời xử lý được vấn đề phát triển năng lượng tái tạo. Có một điều may mắn cho Việt Nam là trên thế giới, đây cũng đang là lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu và các nhà đầu tư đang dành nhiều công sức, trí tuệ và tài chính để hỗ trợ.
Như vậy, trong giai đoạn này nếu Việt Nam “bắt kịp” công nghệ lưu trữ và tích trữ năng lượng thì chúng ta có thể trở thành một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ xanh.
>>Doanh nghiệp năng lượng sạch tôn chỉ sự chính trực
>>Hải Phòng: Đẩy mạnh hợp tác đầu tư Na Uy trong lĩnh vực năng lượng sạch
-Theo ông, thách thức đối với Việt Nam khi phát triển hydrogen, amonia xanh hiện nay là gì?
Thứ nhất, nhận thức xã hội và những người làm công tác chính sách vĩ mô đối với phát triển hydrogen, amonia xanh. Một trong những nguyên tắc của công nghệ mới là phải tính toán những tác động đến môi trường, xã hội.
Để giải quyết vấn đề này chi phí rất lớn. Đơn cử, điện gió, điện mặt trời thời điểm khởi phát giá 1 kw đã đắt gấp 2 lần so với năng lượng than.
Điều này cho thấy, việc chi phí để đưa hệ thống năng lượng xanh vào hoạt động đòi hỏi cần có sự “chung tay” của toàn xã hội, chấp nhận sử dụng giá cao nhưng là điện sạch.
Thứ hai, toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước phải chuyển đổi nhận thức từ hỗ trợ sang đồng hành cùng doanh nghiệp. Nhà nước không thể có đủ nguồn vốn để đầu tư cho một công trình lớn như vậy, mà cần có sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng và doanh nghiệp.
Thứ ba, xã hội phải chấp nhận muốn phát triển bền vững, sống trong bầu không khí xanh, sạch thì phải trả giá điện cao hơn. Khi đó sẽ tạo ra “tác phong” tiết kiệm điện.
Với “bức tranh” tổng thể như vậy, chúng ta hy vọng nền công nghiệp Việt Nam sẽ có “sức bật” mới.
-Để đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cần phải có một bộ luật về năng lượng tái tạo, trong đó quy định riêng cho phát triển hydrogen, amonia xanh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đề xuất này không sai, nhưng chỉ phù hợp với nền sản xuất cao, một xã hội công nghiệp. Còn Việt Nam đang chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, nền kinh tế cũng đang chuyển đổi.
Chúng ta còn có quan điểm “đi tắt đón đầu” để cùng với một số quốc gia hội nhập được vào những lĩnh vực công nghệ “đầu tàu”, như phát triển công nghệ bán dẫn.
Dưới góc độ xây dựng pháp luật, tôi cho rằng nếu chúng ta có một bộ luật để hỗ trợ phát triển xanh, trong đó có hydrogen, amonia xanh là rất tốt.
Tuy nhiên, tại thời điểm này chúng ta phải “bằng lòng” với nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội về việc phân bổ ngân sách hàng năm. Vấn đề này có thể triển khai ngay tại kỳ họp thứ VI tới, đó là Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo về kế hoạch phát triển xanh, Quốc hội sẽ phân bổ ngân sách hàng năm để Chính phủ thực hiện.
Theo tôi, đây là phương án tối ưu có thể thực hiện ngay và các đại biểu Quốc hội cũng dễ thể hiện được vai trò của mình trong hoạt động của Quốc hội. Sau 5 năm có thể tiến hành sơ kết, nếu nhận thấy cần thiết nâng lên thành luật thì Quốc hội Khoá XV sẽ chuẩn bị cho Quốc hội Khoá XVI.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
19:16, 27/07/2023
17:24, 25/07/2023
07:27, 10/03/2023
01:50, 03/03/2023