Tàu CSB 8021 của Cảnh sát biển Việt Nam đã rời Seattle, bang Washington, bắt đầu hành trình trở về Việt Nam.
Theo trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, thủy thủ đoàn thuộc Cảnh sát biển Việt Nam sẽ đưa tàu từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ về bến cảng mới của mình tại Vùng cảnh sát biển 3 trong mùa hè này.
Trước đó, hai kíp tàu với lần lượt là 42 và 46 thành viên thủy thủ đã đến Mỹ huấn luyện vào tháng 11-2020 và tháng 2-2021.
Tàu CSB 8021 là tàu tuần duyên thứ hai được Mỹ giao cho Việt Nam theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA), sau tàu USCGC Morgenthau, được chuyển giao cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ngày 25-5-2017 và biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam với số hiệu CSB 8020.
Tiền thân của tàu CSB 8021 là tàu tuần duyên USCGC John Midgett. Đây là chiếc tàu cuối cùng trong loạt 12 tàu tuần tra cỡ lớn lớp Hamilton cho Tuần duyên Mỹ, được đóng ngày 5-4-1971 và loại biên năm 2020. Tàu dài 115m, rộng 13m, lượng giãn nước 3.050 tấn, được trang bị hai động cơ diesel và hai động cơ turbine khí, có thể đạt tốc độ tối đa 54 km/h. Tàu có thể làm nhiệm vụ 45 ngày liên tục trên biển với tầm hoạt động 20.000km.
Đồng thời, tàu có chức năng tuần tra lãnh hải, cứu hộ cứu nạn, khảo sát đại dương, và có thể hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới, chịu được sóng to gió lớn, nên còn được gọi là tàu tuần tra cỡ lớn có độ bền cao. Mặc dù vậy, tàu lớp Hamilton đã có 40 năm phục vụ, chính vì vậy cần được bảo dưỡng trước khi chính thức đưa vào sử dụng.
Tàu lớp Hamilton là một con tàu lớn trong khuôn khổ các loại tàu tuần tra và là sự bổ sung tốt cho các tàu từ 2.500 tấn tới dưới 1.000 tấn hiện nay mà Cảnh sát biển Việt Nam đang sở hữu. Với việc bổ sung tàu CBS 8021, cảnh sát biển Việt Nam có thể đáp ứng tốt hơn các nhiệm vụ đa dạng của các lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển ngày nay, cũng như duy trì sự hiện diện lâu dài trên các vùng biển.
"Việc chuyển giao con tàu này cho Việt Nam đã minh chứng mối quan hệ đối tác an ninh khu vực ngày càng được tăng cường giữa Việt Nam và Mỹ. Chúng tôi rất mong được chào đón tàu CSB 8021 tại Việt Nam", Đại sứ quán Mỹ cho biết.
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, Mỹ đã tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, đặc biệt là về an ninh hàng hải. Khởi động từ các hoạt động tìm kiếm quân nhân mất tích và xác định danh tính hài cốt quân nhân ở Việt Nam, hợp tác an ninh quốc phòng Việt – Mỹ, cho tới nay hai nước đã mở rộng ra các lĩnh vực khác cụ thể và sâu rộng hơn.
Với mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải, Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện, tàu bè cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai bên cũng được thể hiện cụ thể và chi tiết thông qua các khoản hỗ trợ và cho vay của Mỹ nhằm tăng cường nhận thức và năng lực an ninh hàng hải của Việt Nam.
Tại cuộc đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Mỹ trực tuyến năm 2020, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David F Helvey đã khẳng định: Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam; mong muốn Việt Nam ngày càng vững mạnh, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương trên các lĩnh vực hợp tác hiện có: an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa…
Có thể bạn quan tâm
Nguy cơ “chiến tranh nóng” trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc
05:30, 18/05/2021
Thấy gì từ việc Philippines gửi 100 công hàm phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông?
05:00, 02/06/2021
Mỹ tiếp tục phản đối Trung Quốc đe dọa các nước ở Biển Đông
14:40, 07/04/2021
Mỹ và các đồng minh "hợp lực" ngăn Trung Quốc thống trị Biển Đông
11:00, 07/04/2021