Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Mới đây, Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) đã chính thức công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng) là Di sản Văn hóa Thế giới.
Di sản Thế giới thứ 9 của cả nước
Cụ thể, tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) tại Paris (Pháp), Giáo sư Nikolay Nenov - Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc của Việt Nam là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là Di sản Thế giới thứ 9 của Việt Nam và là Di sản Thế giới liên tỉnh thứ hai của cả nước sau Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 12 điểm, nằm trên địa bàn 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, với diện tích vùng lõi 525,75 ha và vùng đệm 4.380,19ha.
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh gồm 5 điểm: Thái Miếu, chùa Lân, chùa Hoa Yên, chùa Ngọa Vân, bãi cọc Yên Giang. TP Hải Phòng gồm 5 điểm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai, động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương. Tỉnh Bắc Ninh gồm 2 điểm: chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà.
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã sáng tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại. Bắt nguồn từ cảnh quan núi thiêng Yên Tử, Phật giáo Trúc Lâm đại diện cho một hệ thống triết lý và tinh thần khoan dung, vị tha của Phật giáo.
Phật giáo Trúc Lâm cũng là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm về tinh thần hòa giải, hòa hợp và hòa bình hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Chỉ đạo - Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc cho biết: “Thời khắc được ghi danh là một niềm tự hào lớn không chỉ đối với chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng, mà còn đối với nhân dân cả nước. Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên, đồng thời là Di sản liên tỉnh thứ hai trong số 9 Di sản Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận”.
Còn thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới theo các tiêu chí III và VI.
Cụ thể, tiêu chí III là: Liên minh chiến lược giữa Nhà nước (Hoàng gia nhà Trần), tôn giáo (Phật giáo Trúc Lâm) và nhân dân phát triển từ quê hương (dãy núi Yên Tử) đã tạo nên một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc và thúc đẩy hòa bình, an ninh cho cả khu vực rộng lớn hơn.
Trong đó, tiêu chí VI là: Phật giáo Trúc Lâm, được khởi xướng và phát triển chủ yếu bởi các thành viên Hoàng gia nhà Trần, là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo, được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ quê hương tâm linh của nó ở Dãy núi Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục, qua đó góp phần củng cố quốc gia, đảm bảo hòa bình và hợp tác trong khu vực.
Tiếp tục phát huy giá trị Di sản
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ được bảo tồn, bảo vệ lâu dài, bền vững, phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.
Bà Nguyễn Thị Hà – Tổng giám đốc Hai Ha Travel chia sẻ, việc UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới sẽ mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch khi đây chính là tài nguyên du lịch hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Di sản không chỉ là bằng chứng lịch sử mà còn thể hiện chiều sâu tâm linh, gắn kết con người với thiên nhiên, yếu tố làm nên bản sắc Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, cùng chung tay với chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan để bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản, gắn với phát triển du lịch bền vững.
Được biết, hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới được xây dựng trong 13 năm, với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia di sản và chính quyền ba địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, hồ sơ đã được tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng một cách công phu, bài bản với chất lượng cao. Sau nhiều năm nỗ lực, Di sản đã chính thức được quốc tế công nhận. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của Di sản Thế giới.
Còn theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS KTS Hoàng Đạo Cương, để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế; góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản, tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, nhân dân các địa phương. Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các Di sản Thế giới ở Việt Nam.