Ngoài cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, đây cũng là cơ hội lớn để chúng ta thu hút nguồn khách “khủng” từ thị trường có hơn 1 tỷ dân này.
4.500 khách thuộc tập đoàn dược phẩm của tỉ phú Dilip Shanghvi từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chủ yếu là người Ấn Độ chính là lần đầu tiên Việt Nam phục vụ đoàn khách Ấn Độ có số lượng lớn đến vậy.
Sự kiện này là kết quả của công tác xúc tiến du lịch từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch.
Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhìn nhận, đây là một đoàn khách lớn, trong đoàn có vị tỉ phú thế giới. Do đó, đây là dịp tốt để quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường Ấn Độ.
Có thể thấy ngành du lịch đã đạt những bước tiến ấn tượng trong công tác quảng bá, xúc tiến và phát triển du lịch MICE.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, Việt Nam là điểm đến mới và chỉ thực sự trở nên phổ biến đối với du khách Ấn Độ từ sau đại dịch COVID-19. Khách du lịch Ấn Độ chưa có nhiều kiến thức hiểu biết về du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Văn Tuyên - CEO Travelogy Việt Nam - nhận định, Ấn Độ là thị trường vô cùng khó tính, vô cùng tiềm năng. Theo đó, bộ phận kinh doanh và marketing gặp khó khăn khi tư vấn cho du khách Ấn Độ. Đặc biệt, họ có yêu cầu cao trong trải nghiệm ẩm thực Việt Nam và yêu cầu nhiều về các món ăn chay - mặn, bữa ăn theo tiêu chuẩn Halal Food phù hợp dành cho những người theo đạo Hồi,... Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị và đào tạo chuyên nghiệp, đòi hỏi sự phối hợp từ các đơn vị lữ hành, lưu trú và các đơn vị nhà hàng kinh doanh dịch vụ.
Mặc dù có những tiêu chuẩn đặc thù và đòi hỏi lực lượng nhân sự đáp ứng rất lớn, tuy nhiên, theo TS. Trịnh Lê Anh - giảng viên Khoa Du lịch, ĐH KHXH&NV, giá trị thực tế lượng khách Ấn Độ mang lại không cao vì họ lấy số lượng đông để ép giá điểm đến.
Đây là "phép thử" và cũng là bài toán lớn đặt ra cho các đơn vị cung cấp và du lịch MICE Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam ông Vũ Quốc Trí, nhìn nhận, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo,... ) nên còn nhiều bỡ ngỡ, cần học hỏi, nhưng về lâu dài phải suy nghĩ để phát triển hướng tới chuyên nghiệp vì du lịch MICE đã trở thành xu hướng, thậm chí một số quốc gia còn xác định là ngành công nghiệp MICE.
Cùng quan điểm trên, TS Trịnh Lê Anh cho rằng, ngành du lịch cần có sự chuẩn bị và nâng cấp về cơ sở hạ tầng, khách sạn 4-5 sao, các nhà hàng ẩm thực đa dạng cao cấp,...và đặc biệt là lực lượng nhân sự được đào tạo chuyên, có sự nghiên cứu về thị trường quốc tế, trong đó đặc biệt là du khách Ấn Độ.
"Đặc biệt, nhân lực chuyên ngành khi Việt Nam cần được đào tạo chuyên sâu về MICE hay du lịch sự kiện. Chúng ta cần có nghiên cứu về từng thị trường trọng điểm, điều kiện đáp ứng, tiềm năng đem lại cho Việt Nam,...để luôn chủ động nắm bắt mọi cơ hội cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn sắp tới." - TS Trịnh Lê Anh nhấn mạnh.