Công nghệ

Việt Nam đang ở đâu trong "bức tranh AI"

Quân Bảo 26/10/2024 13:06

Việt Nam đang có những bước tiến rất nhanh về AI nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó việc thiếu hụt nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất cấp bách.

Theo PGS TS Bùi Thu Lâm, Học viện Kỹ thuật Mật mã thuộc Ban Cơ yếu Chính Phủ, Tổng thư ký FISU Việt Nam, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) thời gian vừa qua là nhờ 3 yếu tố. Một là sự tiến bộ về thuật toán. Hai là dữ liệu và ba là khả năng hỗ trợ tính toán siêu máy tính.

img_2057.jpg
Tiến sĩ Bùi Thu Lâm: "Việt Nam đang phát triển AI với tốc độ rất nhanh"

“Tổng hợp lại chúng ta có nền trí tuệ nhân tạo phát triển như ngày hôm nay”, ông Lâm nói trong hội thảo chủ đề “Tương lai Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ mới: Bán dẫn – Trí tuệ nhân tạo” tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 25/10/2024.

Theo các báo cáo ông Lâm đưa ra, Việt Nam trong vài năm vừa qua đã phát triển AI với một tốc độ rất nhanh. Có một số chỉ số trực tiếp hoặc gián tiếp có liên quan cho thấy, Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới, thứ 5 Đông Nam Á về tính sẵn sàng cho AI trong chính phủ. Việt Nam cũng đứng thứ 71 thế giới, thứ 5 Đông Nam Á về chính phủ điện tử. Về chỉ số đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ 44 trên thế giới. Ông Lâm đánh giá những vị trí này là “không tồi một chút nào”.

Chính phủ Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách, chiến lược và chương trình hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo. Ví dụ như khuyến khích nghiên cứu đổi mới sáng tạo thông qua các cuộc thi như KC-01, KC-04. Từ năm 2006 đến 2020 đã có 96 dự án tầm quốc gia liên quan đến AI được đầu tư tổng cộng xấp xỉ 169 nghìn tỷ đồng. Hay Quyết định 127/QĐ-Ttg về chiến lược quốc gia cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.

Các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nổi lên thành nhũng trung tâm dẫn đầu về phát triển AI tại Việt Nam.

Về ứng dụng AI, ông Lâm cho biết khối ngân hàng đang ứng dụng rất mạnh, trong xác thực, trong kiểm soát an ninh, trong vận hành. Khối y tế cũng ứng dụng AI rất nhiều trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Trong khối tư nhân, rất nhiều công ty đã đầu tư mạnh mẽ vào AI. Có thể kể đến như Vingroup, FPT hay CMC.

Về phần đào tạo, ông Lâm cho biết đã có khoảng 50 trường đại học có chuyên ngành liên quan đến AI. Tiêu biểu như Đại học AI của CMC hay Khoa AI của Học viện Bưu chính Viễn Thông.

Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về số ấn phẩm khoa học về AI.

Như vậy có thể thấy, AI đang là một chủ đề rất nóng ở Việt Nam.

“Tuy nhiên, tất cả không phải chỉ đều là mầu hồng”, ông Lâm nói. Lĩnh vực AI của Việt Nam cũng đang gặp nhiều thách thức lớn.

Đầu tiên là nguồn nhân lực. Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI. Hiện năng lực đào tạo của Việt Nam là khoảng 55.000 mỗi năm, nhưng dự báo nhu cầu thị trường có thể nhiều gấp 3 lần năng lực đào tạo hiện tại.

Tiếp theo là thách thức về dữ liệu. Vấn đề về chất lượng, tính mở và tích hợp của dữ liệu vẫn là thách thức lớn, cản trở sự phát triển của các ứng dụng AI.

Một rào cản cũng rất lớn là hạ tầng tính toán và khả năng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về xử lý dữ liệu cho AI cũng là một trong những vấn đề cần được giải quyết sớm.

Và cuối cùng là về pháp lý. Khung pháp lý và chính sách liên quan đến AI cần được hoàn thiện để tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của công nghệ này.

Theo tiến sĩ Lâm, để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về AI trong khu vực, Việt Nam đề ra 5 định hướng chiến lược.

Thứ nhất là xây dựng nền tảng pháp lý và chính sách mạnh mẽ cho phát triển AI. Thứ hai là đẩy mạnh xây dựng hạ tầng tính toán và nền tảng dữ liệu.

Gắn liền với đó là cần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và ứng dụng AI trong cộng đồng.

Bên cạnh đó cần ưu tiên ứng dụng AI trong các lĩnh vực như hành chính công, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia và hợp tác quốc tế.

Và cuối cùng, cũng rất quan trọng là phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI. Như ở trên đã nói, tuy có tới 50 trường đại học có đào tạo liên quan đến AI nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

“Với những nỗ lực và định hướng chiến lược này, Việt Nam hy vọng sẽ có thể vươn lên trở thành một trong những trung tâm hàng đầu về AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới trong tương lai”, ông Lâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam đang ở đâu trong "bức tranh AI"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO