Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo”, được tổ chức mới đây.
Theo đó, để thu hút được nhiều nhà đầu tư, yếu tố quan trọng là Việt Nam phải xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như tạo môi trường kinh doanh dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn II (IPP2), chia sẻ về kinh nghiệm từ Phần Lan, ông Marko Saarinen, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan cho biết: “Phần Lan đã tạo ra nền tảng để có được sự trao đổi cởi mở, minh bạch để thúc đẩy chương trình hợp tác liên kết với các bên liên quan. IPP đã đưa ra đợt kêu gọi các đơn vị nộp hồ sơ xin tài trợ, quá trình này được tổ chức ở Việt Nam”.
Theo đó, chương trình IPP đã đóng góp các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp như các chương trình công nghệ, chính sách và các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. IPP hiện đang tập trung xây dựng nguồn lực cho các chương trình và các tổ chức đào tạo đại học, các doanh nghiệp, nhà kinh doanh trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, ông Jouko Ahvenainen, Chuyên gia quốc tế cho rằng, có nhiều loại hình công ty và loại hình kinh doanh để có thể khởi nghiệp. Mặc dù, rất khó để có được nguồn vốn ban đầu và nguồn thu lợi nhuận ngay lập tức, tuy nhiên có nhiều mô hình tài trợ mới, công nghệ ra đời để hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam đang có cơ hội tốt để sử dụng các công nghệ mới, mô hình mới.
Theo đó, bên cạnh nguồn tài chính từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty quản lý quỹ, nguồn vốn từ nhà nước thì cũng phải kể đến các khoản vay như tài trợ xuất khẩu, hỗ trợ nguồn cung, hỗ trợ giao dịch, các mô hình công cụ chuyển đổi tài chính... đây là những nguồn tài chính sẵn sàng đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu. Tuy nhiên, để các nguồn tài chính này quyết định “xuống tiền” thì vẫn còn nhiều cân nhắc.
Ông Jouko Ahvenainen phân tích: “Chẳng hạn như ngân hàng khó có quyết định cho vay vì không đủ thông tin về doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để có dữ liệu và sử dụng dữ liệu nhiều hơn để cho vay. Thị trường cần có bộ dữ liệu, minh bạch để truy cập kiểm tra mức độ minh bạch, giảm rủi ro của nhà đầu tư. Bởi, quá trình đánh giá rủi ro là vô cùng quan trọng trong quá trình quyết định giải ngân”.
Đồng tình với quan điểm này, bà Phan Hoàng Lan cho rằng, đặc thù nhất là rủi ro, sự khó đoán của việc đầu tư.
“Mọi người nói rằng, trong 10 doanh nghiệp đầu tư thì có 9 sẽ “chết” mà ko ai đoán được doanh nghiệp nào sẽ thành công. Chính vì vậy những người đầu tư cho khởi nghiệp họ phải rất hiểu về khởi nghiệp và phải có tiền. Vì thế, thông thường rất cần có những chính sách để hỗ trợ, chia sẻ rủi ro cho các nhà đầu tư; trong đó, chính sách về thuế, về đối ứng đầu tư từ nhà nước với tư nhân”, bà Hoàng Lan phân tích.Chương trình IPP2 là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan đồng chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 với tổng ngân sách 11 triệu Euro.