Báo cáo của Tổng Cục thống kê cho biết doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 9 tháng của năm 2022 ước đạt 430.900 tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo từ Tổng Cục thống kê, 9 tháng năm 2022, Việt Nam đón 1,87 triệu lượt khách quốc tế, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm nhiều so với cùng thời điểm năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Tính riêng trong tháng 9/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 432.000 lượt, giảm 11,2% so với tháng trước.
Số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy nguồn khách từ thị trường châu Á đến Việt Nam chiếm số lượng lớn với hơn 313.000 lượt người trong tháng 9/2022. Trong đó, dẫn đầu là nguồn khách từ Hàn Quốc (119.636 lượt người), Nhật Bản (24.639 lượt người), Malaysia (24.521 lượt người), Campuchia (22.640 lượt người), Thái Lan (21.812 lượt người)…
Lượng khách từ thị trường châu Âu đến Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt hơn 53.800 lượt, trong đó, nguồn khách từ Anh, Đức, Pháp chiếm số lượng nhiều nhất. Thị trường khách đến từ châu Mỹ trong tháng 9/2022 là 44.335 lượt người, trong đó khách đến từ Mỹ 37.166 lượt người.
Cũng theo số liệu, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm 88,6% và gấp 22 lần so với cùng kỳ năm 2021; bằng đường bộ chiếm hơn 11,3% và gấp 5,5 lần; bằng đường biển chiếm 0,03% và tăng 24,1%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 9 tháng của năm 2022 ước đạt 430.900 tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng của năm 2022 ước đạt 18.200 tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay mới chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết tại hội nghị giao ban trực tuyến với các sở quản lý du lịch về chủ đề "Liên kết xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch quốc tế" vừa tổ chức ngày 29/9, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với trước đại dịch, cũng như so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Thực tế này cũng xuất phát từ nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Sau mùa du lịch nội địa địa thì vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để tăng cường liên kết trong việc tạo sản phẩm mới, làm mới sản phẩm, truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường để đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam.
Theo Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cần tiếp tục khai thác các thị trường trọng điểm du lịch như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, chú trọng yếu tố chất lượng khách. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên, sinh thái và du lịch thành phố; bên cạnh đó phát huy các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng thị trường như du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch golf… Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế theo thông điệp "Live fully in Vietnam".
Các địa phương đều thống nhất đề xuất Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phát huy vai trò nhạc trưởng trong xây dựng và triển khai kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, để các địa phương cùng tham gia trong các hội chợ du lịch quốc tế, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đón các đoàn famtrip, presstrip quốc tế vào Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế…
Có thể bạn quan tâm
03:00, 24/08/2022
12:00, 12/08/2022
03:00, 30/08/2022
06:18, 01/10/2022