Du lịch

Việt Nam đón khách quốc tế vượt mốc 10 triệu: Con số nói lên điều gì?

Nguyễn Thu Hà 05/07/2025 12:16

Ngành du lịch Việt Nam đang dần hiện lên như một trụ cột mới với những tín hiệu hồi phục ấn tượng.

Theo số liệu vừa được công bố bởi Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón hơn 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí cao hơn 26% so với giai đoạn “đỉnh vàng” của du lịch trước dịch COVID-19 năm 2019.

dulich.jpg

Tăng trưởng vượt kỳ vọng

Con số 10,7 triệu lượt khách quốc tế là minh chứng rõ nét cho sự phục hồi mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” và là kết quả của chuỗi nỗ lực tái cấu trúc sản phẩm, mở rộng thị trường, đầu tư hạ tầng và chính sách visa thuận lợi mà Chính phủ và doanh nghiệp đã cùng nhau theo đuổi trong thời gian qua.

Sự vươn lên của Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Báo cáo Hàn thử biểu của UN Tourism xếp du lịch Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về tăng trưởng khách quốc tế quý I/2025 – một vị trí cho thấy Việt Nam đã thực sự vượt qua nhiều “ông lớn” trong ngành du lịch toàn cầu.

Đáng chú ý, khu vực Đông Bắc Á đang trở thành thị trường trọng điểm, chiếm đến 60% tổng lượng khách đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với hơn 2,7 triệu lượt khách, theo sau là Hàn Quốc với 2,2 triệu lượt, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ. Sự trở lại mạnh mẽ của du khách Trung Quốc, vốn là thị trường từng chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế trước dịch, chính là yếu tố then chốt giúp ngành du lịch Việt Nam nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.

Cú hích từ… trên cao

Bên cạnh sự phục hồi của thị trường, hạ tầng hàng không đóng vai trò “bệ phóng” quan trọng. Trong 6 tháng, hơn 9 triệu lượt khách quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, chiếm gần 85% tổng lượng khách đến Việt Nam. Đặc biệt, việc các hãng hàng không liên tục mở mới các đường bay thẳng quốc tế như Hà Nội - Milan (Vietnam Airlines) hay Hà Nội – Thành Đô (Vietjet) cho thấy nỗ lực chiến lược trong việc rút ngắn khoảng cách và tạo thuận lợi tối đa cho du khách quốc tế.

Dự kiến đến tháng 3/2026, khi sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, lượng khách quốc tế có thể cán mốc 25 triệu lượt mỗi năm, một bước nhảy lượng đáng kể so với mức 17,5 triệu lượt khách quốc tế của năm 2024.

Một yếu tố không thể không nhắc đến chính là sự điều chỉnh chính sách thị thực mang tính đột phá. Từ năm 2023, việc miễn thị thực cho 16 quốc gia cùng với quy định visa điện tử 90 ngày thay vì 30 ngày như trước đã tạo cú hích rõ rệt cho dòng du khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là một bước đi táo bạo, thể hiện tư duy “mở cửa thực chất” trong hội nhập và thu hút dòng khách chất lượng cao từ các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh về số lượng khách không đồng nghĩa với thành công toàn diện. Vấn đề đặt ra hiện nay là chuyển hóa tăng trưởng lượng thành chất, tập trung vào nâng cao trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu bình quân của du khách. Đó mới là giá trị bền vững cho ngành du lịch.

Thực tế, Việt Nam vẫn đang bị đánh giá là điểm đến có chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế còn thấp. Điều này xuất phát từ hệ thống sản phẩm du lịch còn thiếu chiều sâu, dịch vụ còn hạn chế và hạ tầng tại nhiều điểm đến chưa theo kịp tốc độ phát triển.

Cần chiến lược đồng bộ và đột phá

Trước đà tăng trưởng mạnh mẽ, đã đến lúc Việt Nam cần một chiến lược phát triển du lịch bài bản, dài hạn và tích hợp nhiều ngành. Chính sách không chỉ dừng lại ở việc thu hút, mà còn phải hướng đến giữ chân và quay lại, tạo ra một hệ sinh thái du lịch có năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Điểm sáng là các tập đoàn tư vấn uy tín như BCG đã xếp Việt Nam vào top các thị trường mới nổi có tiềm năng vượt qua các cường quốc du lịch truyền thống. Đây là thời cơ vàng để Việt Nam định vị lại mình trên bản đồ du lịch quốc tế.

Muốn vậy, cần tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch xanh, du lịch sức khỏe và du lịch thông minh, những phân khúc đang chiếm ưu thế hậu đại dịch. Các địa phương cũng cần có cơ chế khuyến khích đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch.

Ngành du lịch Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn của tăng trưởng thực chất và bền vững. Những con số ấn tượng trong nửa đầu năm 2025 chỉ là bước đầu cho một chu kỳ tăng trưởng lớn hơn. Để nắm bắt được cơ hội này, điều quan trọng không chỉ là chính sách linh hoạt, mà còn là năng lực thực thi mạnh mẽ và đồng bộ giữa trung ương - địa phương - doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam đón khách quốc tế vượt mốc 10 triệu: Con số nói lên điều gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO