Du lịch

Khai thác tiềm năng hợp tác du lịch Việt – Nhật trong kỷ nguyên mới

Minh Châu 03/07/2025 01:35

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử giao lưu lâu đời đang ngày càng được củng cố, trong đó du lịch đóng vai trò như một cầu nối cảm xúc, lan tỏa giá trị con người và bản sắc hai dân tộc.

Trong bức tranh toàn cầu hóa, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là “người dẫn đường” cho sự hiểu biết, giao lưu và phát triển bền vững giữa các quốc gia. Thực tiễn phát triển du lịch Việt – Nhật thời gian qua và những kỳ vọng từ sự kiện Expo Osaka-Kansai 2025 là minh chứng rõ nét cho tiềm năng bứt phá trong hợp tác du lịch song phương.

Thị trường còn rất lớn

Mặc dù có sự gắn bó sâu rộng về kinh tế, văn hóa và con người, song hiện nay, theo thống kê, khoảng 80% du khách Việt Nam chưa từng đến Nhật Bản. Con số này cho thấy khoảng trống thị trường còn rất rộng mở, là dư địa tiềm năng để các doanh nghiệp khai phá trong tương lai gần. Trong khi đó, lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, minh chứng cho sức hút ổn định của điểm đến Việt.

0207.hoi_thao_jnto_-3-.jpg
Ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Theo ông Phạm Văn Thủy – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tại Hội thảo và Kết nối kinh doanh thương mại xúc tiến du lịch Nhật Bản, năm 2019, Việt Nam đã đón trên 950.000 lượt khách Nhật Bản, chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng khách quốc tế. Sau đại dịch COVID-19, dù ngành du lịch toàn cầu chịu nhiều tác động, “du lịch Việt – Nhật đang từng bước phục hồi mạnh mẽ”. Riêng năm 2024, Việt Nam đón gần 700.000 lượt khách Nhật Bản, và chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, con số đã đạt hơn 340.000 lượt, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái – một tín hiệu cho thấy sự bền bỉ và triển vọng của thị trường này.

Dù đạt được nhiều thành tựu, sản phẩm du lịch Nhật Bản hiện vẫn tập trung chủ yếu vào tuyến “Cung đường vàng” Tokyo – Kyoto – Osaka, và vào hai mùa cao điểm là mùa hoa anh đào (tháng 3-4) và mùa lá đỏ (tháng 10-11). Điều này dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ tại các khu đô thị lớn, gây áp lực lên hạ tầng du lịch, đồng thời làm giảm trải nghiệm của du khách.

Trước thực tế đó, nhu cầu tìm kiếm hành trình tour mới, điểm đến mới lạ đang ngày càng gia tăng. Nắm bắt được xu hướng này, Triển lãm thế giới Expo Osaka-Kansai 2025 được tổ chức tại Nhật Bản đã được JNTO (Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản) đánh giá là “một cơ hội quan trọng để quảng bá các địa phương, khai thác những điểm đến chưa được biết đến rộng rãi”, qua đó giúp phân bổ lại dòng khách du lịch và thúc đẩy phát triển cân bằng, bền vững.

Từ xúc tiến quảng bá đến liên kết chiến lược

Không chỉ dừng lại ở việc thu hút du khách qua các chiến dịch xúc tiến, du lịch Việt – Nhật đã bước sang một giai đoạn mới, hướng đến các mô hình hợp tác chiến lược sâu rộng hơn. Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy khẳng định: “Việt Nam và Nhật Bản là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực tiên phong, đóng vai trò cầu nối văn hóa, cảm xúc và con người giữa hai dân tộc.”

Trên thực tế, Nhật Bản không chỉ đơn thuần là thị trường gửi khách quan trọng của Việt Nam, mà còn là một đối tác đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch. Hai nước hiện đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều phương diện: từ việc tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực nhân sự ngành du lịch, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cao cấp phục vụ phân khúc khách hàng khắt khe, cho đến việc cùng nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa và ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý điểm đến. Những mô hình hợp tác như vậy không chỉ gia tăng tính chuyên nghiệp cho ngành du lịch Việt Nam, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch Nhật có trải nghiệm chất lượng và trọn vẹn hơn.

Doanh nghiệp là lực đẩy then chốt

Trong mối quan hệ song phương này, doanh nghiệp hai nước đóng vai trò trung tâm trong việc tạo ra giá trị thực tế cho du khách. Các doanh nghiệp lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, tổ chức xúc tiến thương mại và chính quyền địa phương cần liên kết chặt chẽ, cùng xây dựng chuỗi giá trị du lịch từ sản phẩm – truyền thông – hậu cần đến chăm sóc sau dịch vụ.

3n7a0024.jpg
Nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay đã chủ động làm mới sản phẩm hướng đến thị trường Nhật.

Nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay đã chủ động làm mới sản phẩm hướng đến thị trường Nhật: từ các tour nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Nẵng, Hội An, tour trải nghiệm văn hóa bản địa ở Tây Bắc, đến các hành trình chăm sóc sức khỏe kết hợp thiền – yoga – detox. Nhật Bản lại có thế mạnh trong tour văn hóa, công nghệ, khám phá ẩm thực, được khách Việt đánh giá rất cao.

Tầm nhìn dài hạn

Hợp tác du lịch Việt – Nhật không nên chỉ dừng ở mục tiêu ngắn hạn như lượng khách tăng lên hàng năm. Mục tiêu quan trọng hơn chính là sự phát triển lâu dài, ổn định và bền vững. Để đạt được điều đó, cả hai bên cần cùng nhau xây dựng tầm nhìn dài hạn, trong đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mở rộng điểm đến và phân bố dòng khách hợp lý là điều thiết yếu nhằm tránh tình trạng quá tải tại một số khu vực nhất định.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cần chuyển từ tư duy “chạy theo số lượng” sang nâng cao chất lượng, đề cao trải nghiệm cá nhân hóa, mang lại giá trị thực sự cho du khách. Một hướng đi quan trọng khác là gắn kết giữa phát triển du lịch với phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường. Những sản phẩm du lịch bản địa, du lịch xanh hay du lịch cộng đồng cần được quan tâm hơn, bởi đó là những hình thức vừa hấp dẫn du khách quốc tế, vừa đảm bảo sự phát triển bền vững cho địa phương.

Trong dòng chảy phát triển của châu Á, hợp tác du lịch Việt Nam – Nhật Bản không chỉ là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi, mà còn là hành trình vun đắp tình hữu nghị, sự đồng cảm văn hóa và trách nhiệm phát triển bền vững.

Với đà tăng trưởng hiện tại, sự kiện Expo Osaka-Kansai 2025 sẽ là điểm tựa vàng để hai quốc gia cùng nhau thúc đẩy ngành công nghiệp không khói, mở ra kỷ nguyên mới – nơi du lịch không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn và kết nối trái tim của hàng triệu con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Khai thác tiềm năng hợp tác du lịch Việt – Nhật trong kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO