Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực trong công tác quản lý điều hành chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, vừa qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Ngay sau thông tin trên, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh đánh giá này của Bộ Tài chính Mỹ trên tinh thần coi trọng quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ, một trụ cột của quan hệ Đối tác Toàn diện song phương. Trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ duy trì đối thoại và tham vấn xây dựng với phía Mỹ về vấn đề này.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế tại Mỹ đã hoàn toàn ủng hộ việc chính quyền Tổng thống mới Joe Biden rút Việt Nam và Thụy Sĩ ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ. Cụ thể, Eswar Prasad, Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell cho biết, chính quyền mới quyết định không sử dụng báo cáo này như một công cụ chính trị công khai để lôi kéo các đồng minh của Mỹ. “Điều này sẽ giúp xây dựng lại phần nào độ tin cậy của các báo cáo, vì vậy nó sẽ phục vụ một mục đích hữu ích khi thực sự cần thiết trong tương lai, là nêu bật các hành vi quản lý tiền không công bằng của các quốc gia khác ”, Prasad nói.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, việc bị gắn mác thao túng tiền tệ có thể đồng nghĩa với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ như áp đặt hàng rào thuế quan, nếu sau một thời gian đàm phán không giải quyết được các vấn đề mà Mỹ cho là có thể phản đối.
Song, Việt Nam cũng đã có nhiều dự đoán Mỹ sẽ không đưa ra những áp đặt này, vì nguyên nhân khiến Việt Nam đáp ứng các tiêu chí theo Đạo luật mà Mỹ công bố hoàn toàn mang tính bối cảnh như:
Thứ nhất, việc thặng dư thương mại chủ yếu là do chính sách thương mại Mỹ - Trung căng thẳng, Mỹ ít nhập hàng hoá của Trung Quốc hơn mà chuyển sang nhập của Việt Nam và các nước lân cận, dẫn đến xuất siêu tăng cao.
Thứ hai, năm 2020, đồng đô la Mỹ cũng xuống giá nhiều nên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có những thuận lợi nhất định, nâng cán cân thương mại tổng thể dương nhưng cũng chỉ trong vòng một năm. Đến năm nay, con số này khả năng cũng dương nhưng sẽ không nhiều.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cũng chuyển sang mua bán theo kỳ hạn đồng đô la Mỹ mà không can thiệp trực tiếp nữa, cho nên việc Mỹ loại Việt Nam ra khỏi danh sách là điều đã nằm trong dự đoán.
Các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã trao đổi thông tin và tham vấn với phía Mỹ để làm rõ chính sách tỷ giá của Việt Nam được các cơ quan quản lý điều hành đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
“Ngoài ra,Chính phủ mới của Mỹ cũng không quá “câu nệ” vấn đề này như chính quyền ông Donald Trump trước đó.Đặc biệt, trong suốt quá trình bị gắn mác thao túng tiền tệ đến khi được loại bỏ khỏi danh sách này, Việt Nam cũng không bị áp đặt lệnh trừng phạt nào,chính vì vậysẽ không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế của Việt Nam”, TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hòa, bền vững trong thời gian tới.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.
Có thể bạn quan tâm