Kinh tế ban đêm thật ra là kéo dài thời gian hoạt động của nền kinh tế để phát huy tối đa tiềm lực, phục vụ ngày càng đa dạng hơn nhu cầu của "xã hội tiêu dùng đa quốc tịch".
Mới đây Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký, gửi các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc.
Trong đó một khía cạnh trong chính sách kinh tế của Trung Quốc là “kinh tế ban đêm” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đối với các Bộ, ngành, địa phương.
Đây có lẽ là lần đầu tiên kinh tế ban đêm được nhắc đến ở nước ta với tư cách là một khái niệm đầy đủ nội hàm và ngoại diên từ chính sách. Trước hết nó là hoạt động kinh tế bình thường nhưng diễn ra trong một khung thời gian đặc biệt - từ 6h chiều đến 6h sáng hôm sau.
Ở một khía cạnh ngữ nghĩa khác, kinh tế ban đêm còn phải giải quyết nhiều vấn đề “trong bóng tối”, đó là những ngành nghề nhạy cảm như casino, công nghiệp giải trí, thậm chí cả mại dâm…
Kinh tế ban đêm là một lĩnh vực tất yếu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ngày một lớn, nó cũng là lĩnh vực rất cổ xưa có nguồn gốc từ lịch sử hình thành và phát triển đô thị trên thế giới.
Một tất yếu ở những xã hội công nghiệp
Chính phủ các nước phát triển ở châu Âu đã quy định hẳn không gian và thời gian dành cho lĩnh vực này.
Ở Vancouver - Canada chỉ có một khu vực đó là Granville District, một hòn đảo diện tích khiêm tốn gồm rất nhiều quán bar, quán rượu, nhà hàng và các cửa hàng giành cho giải trí người lớn hoạt động thâu đêm suốt sáng.
Khu vực này tạo ra 43 triệu USD doanh thu mỗi năm, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng, bằng số tiền mà TP HCM thu thuế trong một ngày, bằng tổng nguồn thu ngân sách các tỉnh nhỏ ở nước ta trong một năm.
Chính quyền thành phố Vancouver ban bố chính sách “khác lạ” cho Granville, đặc biệt nói không với phương tiện cơ giới. Đây là hòn đảo dành cho người đi bộ, trước đó người ta đã dũng cảm phá bỏ một trung tâm công nghiệp sầm uất, để chuyển đổi thành nơi cung cấp dịch vụ thông thoáng nhất thế giới.
Thủ đô London (Anh) cũng là mẫu mực của kinh tế ban đêm, đặc trưng bởi 5.000 Club đêm, vũ trường, quán bar, nhạc sống, nhà hát, phòng hòa nhạc. Quận Covent Garden, Giao lộ Piccadilly Circus, Quảng trường Trafalgar, Soho và Camden Town là những địa chỉ cung cấp dịch vụ về đêm vô tận.
Ước tính kinh tế ban đêm ở Anh mang lại nguồn thu hàng tỷ bảng, tạo ra hàng ngàn việc làm, cũng bằng kiểu quy hoạch “khoanh vùng”.
Ở Sydney (Úc) đã ban hành khẩu hiểu ngắn gọn “Open Sydney” nhằm để thu hút cả những người trên 40 tuổi tham gia vào kinh tế ban đêm. Theo Deloitte, thị trường ban đêm của Australia đóng góp 3,8% tổng giá trị của nền kinh tế trong nước.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 23/07/2019
16:07, 24/07/2019
14:14, 19/07/2019
05:06, 16/07/2019
Việt Nam phát triển kinh tế ban đêm bằng cách nào?
Có thể thấy, kinh tế ban đêm thường phát triển mạnh mẽ ở những nền công nghiệp tiên tiến, có phông văn hóa - xã hội phóng khoáng, và đặc biệt dựa trên nền tảng pháp luật nghiêm chỉnh, hiệu quả.
Việt Nam muốn làm được điều này trước hết phải cởi trói tư duy, thái độ ứng xử với các loại hình dịch vụ hoạt động về đêm như bia rượu, karaoke, vũ trường, sòng bài… phải quản lý được những thứ khó quản lý, chứ không phải theo lối mòn lâu nay “không quản lý được thì cấm”.
Và, cũng cần nhận thức rằng, không phải bất cứ thứ gì hoạt động về đêm đều được xếp vào thành phần kinh tế này, tức là có hẳn “mô hình” để chọn lựa. Ví dụ có thể phát triển thành khu mua sắm, giải trí đẳng cấp cao, chứ không chỉ là rượu, bia, đèn đóm, xe cộ rầm rập…
Một loại hàng hóa rất phổ biến trong kinh tế ban đêm đó là rượu, bia, đồ uống có cồn. Nhưng thực tế việc quản lý loại sản phẩm đặc biệt này ở Việt Nam còn nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Ví dụ điều luật “cấm sử dụng người chưa dủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào sản xuất, mua bán rượu bia, kinh doanh quảng cáo rượu bia”. Điều luật này sẽ tác động rất lớn nếu ở Việt Nam kích thích phát triển kinh tế ban đêm, ít nhất là đối với các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ trong các tụ điểm được quy hoạch.
Kinh tế ban đêm luôn gắn liền với các khu “đèn đỏ” - nó như một mảng tối ít được nhắc đến, song không thể bỏ qua, nên cấm hay hợp pháp hóa?
Theo Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm. Ngoài nữ, còn có nam, người đồng tính, người chuyển giới, người nước ngoài bán dâm. Họ hoạt động dưới nhiều hình thức, công khai, bí mật, có đường dây hoặc đơn lẻ, đáp ứng nhu cầu từ cao cấp tới bình dân...
Kinh tế ban đêm là một lĩnh vực cung cấp dịch vụ “tiêu thụ thuần túy”, nó không tạo ra bất cứ giá trị có tính chất nền tảng vững bền nào cho xã hội - ngoại trừ nguồn thu bằng tiền.
Khi ấy nhà quản lý phải giải quyết được bài toán hạn chế các vấn nạn xã hội với việc sử dụng nguồn tiền thu được như thế nào, đầu tư trở lại ra sao để lấp khoảng đen hệ lụy?
Thực tế, dù được nhắc đến hay không thì kinh tế ban đêm đã phát triển một cách tự nhiên tại Việt Nam. Nếu muốn đẩy nó lên tầm cao mới - trước hết phải tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ.
Các nước trên thế giới luôn cẩn trọng quy hoạch khoanh vùng dành cho kinh tế ban đêm, chứ không phải bất cứ ở đâu cũng kích thích loại hình này, vì cái lợi rất lớn nhưng hệ quả không ít.
Tại sao các doanh nghiệp có thể phục vụ thâu đêm suốt sáng mà cơ quan chức năng không thể quản lý?