Các hạ tầng cứng đã đạt đến điểm “tới hạn” và cần có những đột phá. Động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trọng tâm của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nằm ở ba lĩnh vực chính là tự động hoá, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Rất nhiều công nghệ mới, ứng dụng mới trong thương mại, sản xuất sẽ ra đời trên nền tảng này.
Nắm bắt cú hích... COVID-19
- Đại dịch COVID-19 đang được xem là có tác động làm thay đổi cả cách thức làm việc, chuyển dịch hướng đầu tư… sẽ làm thay đổi nguồn nhân lực hiện tại và trong tương lai ra sao, thưa ông?
COVID-19 đưa đến thay đổi quan điểm về toàn cầu hoá và các định vị quốc gia trong hợp tác quốc tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Các quốc gia đều phải có những thích nghi để không bị phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, điều có có nghĩa là phải xây dựng một nền kinh tế tự chủ hơn, linh hoạt, có khả năng kháng cự với các cú sốc bất lợi, nâng cao năng lực sản xuất và thị trường nội địa.
Tuy nhiên, “kinh tế không phải là tất cả” mới là bài học quan trọng nhất từ đại dịch. Phát triển xanh cũng chưa đủ. Một mục tiêu phát triển xã hội toàn diện, bao trùm mới có ý nghĩa. Nói một cách khác, xã hội tương lai “không chỉ hướng tới thịnh vượng về kinh tế, mà còn phải đáp ứng được yêu cầu hạnh phúc, an toàn của người dân thông qua các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng và môi trường sống ít rủi ro”. Khi hình thái xã hội thay đổi thì nguồn lực lao động cũng sẽ thay đổi, thích ứng theo.
Ở một số lĩnh vực và ngành nghề, xu hướng làm việc từ xa, không cố định ở một văn phòng đã có từ trước COVID-19 và sẽ tiếp tục phát triển, ví dụ như loại hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ tự do (freelancer). Giãn cách xã hội do COVID-19 thúc đẩy làm việc từ xa một phần hoặc toàn phần như một chuẩn mực mới cho các doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức. Ví dụ, giảng dạy, học tập, và khám bệnh trực tuyến có chiều hướng gia tăng.
Cùng với tự động hoá thì lĩnh vực kinh doanh bán lẻ thì có nguy cơ bị thay thế ngày một nhiều bằng thương mại điện tử và giao hàng đến tận nhà. Các doanh nghiệp cũng có thể tận dụng cơ hội để thử nghiệm các phương pháp làm việc và đào tạo các kỹ năng mới cần thiết mà các robot không làm được như trí tuệ xã hội, tư duy hệ thống, trí tưởng tượng, đổi mới, sáng tạo, và cảm hứng.
Dòng vốn FDI đến Việt Nam được dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới do các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm những “bến đỗ” mới, an toàn và phù hợp với ưu tiên chiến lược mới của quốc gia họ. Tuy yêu cầu cũng không khác trước về kỹ năng chuyên môn và sự chuyên nghiệp (tính kỷ luật) của người lao động, nhưng chúng ta phải biết đâu là những lĩnh vực, ngành nghề cần “nhân lực chất lượng cao” để chuẩn bị đào tạo hoặc thu hút từ bên ngoài.
- Bên cạnh những thách thức, COVID-19 cũng sẽ mang lại những cơ hội nhất định. Vậy theo ông, nguồn nhân lực của Việt Nam ở thời điểm hiện tại có đủ sức để đón nhận các cơ hội này? Chúng ta còn thiếu gì để có thể bắt nhịp được với các cơ hội mà COVID-19 tạo ra?
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng con người Việt Nam có đủ khả năng thích ứng và học hỏi để phù hợp với yêu cầu mới. Thắng lợi của cuộc chiến chống Covid của chúng ta vừa qua là một minh chứng rất sinh động và thuyết phục. Thực tế cho thấy là khả năng này càng được phát huy cao độ trong những điều kiện khó khăn, bao hàm cả những thách thức về năng lực, kỹ năng trong môi trường kinh tế số và tự động hoá cao độ. Nếu nhìn bài toán “nguồn nhân lực chất lượng cao” ở góc độ của toàn nền kinh tế thì Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan quản lý, các ĐH và cơ sở đào tạo, và các doanh nghiệp mới là lực lượng có thể làm thay đổi thời cuộc.
Chúng ta cần nắm bắt nhanh sự thay đổi về nhu cầu lao động của thị trường trong nước và quốc tế để xác định đâu là mũi nhọn phát triển và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về nhân lực. Từ đó mới có thể đề ra những trọng tâm chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đào tạo (đặc biệt là đào tạo về công nghệ và kỹ thuật), thu hút và phát triển đổi ngũ chuyên gia, tư vấn cao cấp. Một hướng đi quan trọng và ý nghĩa khác là tập trung vào quốc tế hoá các chương trình đào tạo ở Việt Nam, thông qua hợp tác với các đại học, trường nghề uy tín cao trên thế giới, ví dụ như Top 30 ở các quốc gia phát triển.
Cũng phải khẳng định thêm rằng, tuy COVID-19 mở ra cho các nước, trong đó có nước ta, những tiềm năng thị trường mới, cơ hội thiết lập các chuỗi cung ứng - sản xuất - giá trị bền vững và an toàn hơn, nhưng việc khai thác được hiệu quả các cơ hội này không chỉ phụ thuộc vào việc sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn phụ thuộc vào chất lượng của môi trường kinh doanh (minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, dễ dàng kinh doanh), cơ sở hạ tầng cứng (giao thông, cầu cảng, kho bãi, dịch vụ vận tải,…) và mềm (cơ chế chính sách, quy hoạch, thủ tục cấp phép đầu, công nghệ thông tin, các kết nối số hoá,…). Các hạ tầng này của chúng ta đã đạt đến điểm “tới hạn” và cần có những đột phá. Các nhà đầu tư quốc tế cũng đã nhận ra điều này trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Khó khăn trước mắt là lớn và khoảng thời gian 3-5 năm tới đây có ý nghĩa quyết định. Đây là khoảng thời gian cần thiết cho các quốc gia hình thành nên những định vị, liên kết kinh tế mới, bao gồm: i) đa dạng hoá đối tác thương mại cho các chuỗi cung ứng, và lựa chọn đối tác tin cậy ; ii) khuyến khích đưa về trong nước các chuỗi ngành sản xuất quan trọng, cơ bản đối với nền kinh tế, và chỉ đưa ra bên ngoài những công đoạn sản xuất không ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia trong tương lai.
“Tôi đồng ý với quan điểm của GS. Christopher Pissarides (chủ nhân giải thưởng nobel kinh tế năm 2010) rằng trọng tâm của nghiên cứu, quản lý và hành động của các chính phủ không nên hướng vào đổ lỗi cho công nghệ, mà nên có những chuẩn bị chính trị xã hội tốt nhất cho sự thay đổi”. đây cũng là điều mà chính phủ nước ta tập trung đẩy mạnh trong nhiệm kỳ này.
GS TS Nguyễn Đức Khương
Phát huy “ba trục” lao động
- CMCN 4.0 chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi lớn về cung - cầu lao động. Theo ông, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ có xu hướng thay đổi về cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động ra sao?
Trọng tâm của cuộc CMCN 4.0 nằm ở ba lĩnh vực chính là tự động hoá, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Rất nhiều công nghệ mới, ứng dụng mới trong thương mại, sản xuất sẽ ra đời trên nền tảng này. Một báo cáo điều tra trên 47 quốc gia của MGI (McKinsey Global Institute) năm 2017 nhận định khoảng 50% các công việc trong tương lai sẽ có khả năng được tự động hoá.
Cơ cấu cung-cầu lao động tại Việt Nam chắn chắn cũng đứng trước những thay đổi căn bản. Sự dịch chuyển của thị trường lao động sẽ xoay quanh ba trục chính, bao gồm từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ; từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành có hàm lượng công nghệ; và từ sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sang lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên sâu hơn.
Ngành nông nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nước ta. Thách thức lớn nhất là lực lượng lao động chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng cần thiết khi chuyển lên trình độ sản xuất với công nghệ cao hơn. Khó khăn khác là ruộng đất canh tác manh mún, không đủ quy mô để sản xuất lớn ở nhiều địa phương, và diện tích đất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp. Nếu không có sự định hướng sớm, được qua đào tạo, tư vấn, hướng nghiệp, được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi, những người nông dân sẽ ít có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định, bền vững. Cung lao động phổ thông sẽ dư thừa, số người thất nghiệp gia tăng, nhưng cầu lao động có chất lượng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong các doanh nghiệp mới lại không được đáp ứng đủ.
Trên trục thứ hai, người lao động nói chung cũng sẽ gặp không ít trở ngại khi cuộc CMCN 4.0 sẽ biến các ngành nghề yêu cầu thâm dụng lao động trước đây thành những ngành nghề ứng dụng một phần hoặc hoàn toàn bằng máy móc. Theo nghiên cứu của Frey và Osborne (2017), các ngành có khả năng tự động hóa cao, bắt đầu từ vận tải và logistics, hành chính văn phòng, sản xuất chế tạo, đến các ngành dịch vụ, hỗ trợ, bán hàng, sẽ đưa đến nhiều thách thức nhất cho người lao động, nhất là những lao động đã có tuổi và gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo lại để chuyển sang các ngành nghề khác.
Cuối cùng, sự dịch chuyển từ lao động phổ thông sang lao động đòi hỏi kỹ năng cao hơn sẽ vượt qua biên giới vùng miền, biến giới quốc gia. Khi robot có thể thay thế con người trong hầu hết các khâu sản xuất, chế tạo, các tập đoàn đa quốc gia sẽ hướng đến chuyển dịch dây chuyền sản xuất tới gần thị trường tiêu thụ mạnh, thay vì đặt ở các quốc gia có nhân công giá rẻ như hiện nay. Nhu cầu cho lao động phổ thông vì vậy sẽ giảm sâu so với thời kỳ trước.
Song song với xu thế này, việc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp giải phóng công việc của những lao động kỹ năng cao, trình độ cao ra ngoài phạm vi địa lý. Người lao động có thể tìm và làm việc ở bất kỳ đâu và doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng tại bất kỳ đâu. Đây rõ ràng là một cơ hội lớn, nhất là đối với lao động có tay nghề, có trình độ, để tiếp cận đến thị trường lao động rộng lớn và đa dạng với mức tiền lương và các chế độ phúc lợi theo chuẩn mực khu vực và quốc tế.
Sự thay đổi nói trên sẽ đưa đến sự chênh lệch về thu nhập và mức đãi ngộ trong xã hội, gia tăng phân hoá giàu nghèo, và ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, nhất là đối với nhóm người lao động kỹ năng thấp. Để hạn chế những tác động điêu cực này thì rất cần những chính sách chủ động, kịp thời thúc đẩy tính minh bạch trong thị trường, củng cố môi trường cạnh tranh lành mạnh, củng cố luật chống độc quyền. Bên cạnh đó, những chiến lược đào tạo và tái đào tạo lao động “theo mục tiêu” trong ngắn và trung hạn, tư vấn, hỗ trợ và định hướng lâu dài sẽ giúp người lao động có chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
Trong một bài viết gần đây, GS. Christopher Pissarides (chủ nhân giải thưởng Nobel kinh tế năm 2010) và các công sự cũng chia sẻ quan điểm là các chính phủ không nên đổ lỗi cho công nghệ, mà nên có những chuẩn bị chính trị xã hội tốt nhất cho sự thay đổi.
- Thế nhưng, vẫn đang có một nghịch lý tồn tại tại thị trường lao động Việt Nam hiện nay đó là “thừa lao động” nhưng thiếu nhân lực chất lượng cao? Điều này cần được giải quyết ra sao, thưa ông?
Đây không phải là vấn đề mới và, theo quan sát của chúng tôi thì Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận diện được thách thức này đối với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, từ sử dụng nhiều lao động sang hướng dựa trên công nghệ, tri thức và sáng tạo. Môi trường số hoá và ứng dụng các công nghệ thời kỳ 4.0 cũng đang đặt ra những bài toán mới cho công tác định hướng ngành nghề, cải cách thị trường lao động, và nỗ lực thúc đẩy chất lượng của các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề và chuyên sâu.
Lao động chất lượng cao cần đảm bảo được kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm và khả năng học hỏi liên tục, thích nghi, và áp dụng kiến thức kỹ năng mới trong bối cảnh biến đổi thường xuyên của môi trường kinh tế và công nghệ. Giáo dục hiện tại ở nước ta, đặc biệt là giáo dục đại học khối kinh tế quản trị, còn có một khoảng cách xa với thực tiễn sản xuất kinh doanh. Điều đó dẫn đến nhân lực dù tốt nghiệp với bằng cấp cao cũng không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Ở khối ngành công nghệ và kỹ thuật, Chúng ta cũng có ít chương trình đào tạo kỹ sư hay chuyên viên lành nghề ngang tầm khu vực để hình thành nên lực lượng lao động chủ đạo cho ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống. Điểm nghẽn này đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa có chiến lược hiệu quả nhằm giải quyết bền vững và dài hạn. Bất cập này ngày càng nổi rõ trong bối cảnh nước ta thúc đẩy chuyển dịch sang nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và nhu cầu nhân lực chất lượng cao tăng nhanh.
Mặc dù các doanh nghiệp đã và đang đào tạo (và đào tạo lại) nhân sự cho phù hợp với nhu cầu của mình trong thời gian qua, nhưng sẽ hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực của xã hội hơn nếu sự chủ động và dẵn dắt thuộc về phía hệ thống giáo dục và các cơ quan định hướng thị trường, ngành nghề, nhu cầu lao động.
Cũng cần chú ý rằng, CMCN 4.0 chỉ đưa đến những yêu cầu năng lực mới mà không thay thế những năng lực, kỹ năng cần thiết, cơ bản của những ngành nghề chuyên môn. Có một chiến lược mạnh về đào tạo nhân lực trong các ngành khoa học công nghệ và kỹ thuật thì chúng ta mới chủ động nắm bắt cơ hội của CMCN 4.0, hỗ trợ các ngành nghề mà chúng ta có lợi thế cạnh tranh tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hút nhântài từthế giới
Tôi mong muốn có một chính sách quyết liệt hơn để thu hút nhân tài. Không hẳn cần nhiều tiền, kinh nghiệm từ các quốc gia khác cũng như vậy. Có rất nhiều yếu tố tác động đến công cuộc thu hút nhân tài, trong đó có môi trường tốt, bài toán đủ hay và đủ tầm. Nhưng quan trọng hơn, các cơ quan, tổ chức trong nước phải thực sự cần người tài. Vì chỉ khi thực sự cần mới mạnh dạn sử dụng được.
Khi nói về thu hút nhân tài, chủ yếu chúng ta đang tập trung vào khu vực công chứ ít nói đến tư nhân. Không phải tư nhân không cần, không hút người tài, nhưng bản thân họ làm được. Hầu hết người Việt ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, khi trở về đa phần làm cho tư nhân.
Tại sao vậy, bởi doanh nghiệp luôn phải cạnh tranh sống còn trên thương trường. Điều này buộc họ phải thực tế và hiệu quả trong công tác thu hút và sử dụng nguồn lực con người. Do đó, họ sẵn sàng thu hút nhân tài bằng mọi cách để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ví dụ Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc thu hút những “cánh chim đầu đàn” trong những lĩnh vực mà đất nước coi là trọng điểm như trong đổi mới sáng tạo, trong phát triển khoa học công nghệ. Khi đưa được những người đầu ngành, có tầm ảnh hưởng này về, sử dụng họ hiệu quả, thì chính họ sẽ trở ngược lại thành những cầu nối, thu hút, đón thêm nhiều “đàn chim” về “xây tổ”.
Lúc này câu chuyện thu hút người tài sẽ không chỉ đơn thuần là thu hút tài năng Việt mà là lôi kéo cả tài năng của thế giới đến làm việc ở Việt Nam. Hãy cho thế giới thấy đến Việt Nam là có cơ hội làm việc với những người xuất sắc, những người say mê, có khát vọng... Khi chúng ta làm được điều đó thì sự trở về sẽ rất tự nhiên và lúc đấy, thực sự Việt Nam sẽ không cần phải đặt ra bài toán thu hút nhân tài nữa.