Chính trị - Xã hội

Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao

Diễm Ngọc 01/02/2025 15:00

Năm 2025 là cột mốc quan trọng đặt nền móng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa quan trọng để quyết định tương lai, đối mặt với thách thức vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nhằm đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao.

Ảnh màn hình 2025-01-22 lúc 20.54.00
Đối với Việt Nam thách thức đang gia tăng bởi tình trạng già hóa dân số nhanh chóng với tuổi trung bình dự kiến 40 vào năm 2038

Với GDP bình quân đầu người năm 2024 ước tính đạt 4.649 USD, Việt Nam cần đạt tăng trưởng GDP hai con số để thu hẹp khoảng cách với các nước như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc.

Bài học từ nhiều quốc gia cho thấy nguy cơ mắc kẹt do các chiến lược tăng trưởng lỗi thời, phụ thuộc vào đầu tư hoặc nóng vội đổi mới mà thiếu lộ trình. Thống kê của World Bank cho thấy, chỉ số ít quốc gia thu nhập trung bình (34 nền kinh tế trong 50 năm) chuyển sang thu nhập cao, phần lớn nhờ lợi thế đặc biệt (gia nhập EU hoặc tài nguyên). Ngược lại, các nước như Hàn Quốc, Ba Lan, Chile đã thành công nhờ “chiến lược 3i” đó là đầu tư, hấp thụ công nghệ và đổi mới kết hợp cải cách mạnh mẽ.

Đối với Việt Nam thách thức đang gia tăng bởi tình trạng già hóa dân số nhanh chóng với tuổi trung bình dự kiến 40 vào năm 2038, làm tăng gánh nặng an sinh xã hội. Hiện tại, Việt Nam đang theo đuổi cuộc cách mạng trên ba trụ cột: thể chế, nhân lực và hạ tầng. Năm 2025 là cột mốc quan trọng, là năm bản lề, đặt nền móng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo, hướng đến mục tiêu GDP bình quân đầu người 12.000 USD vào năm 2045.

Nguy cơ “già trước khi giàu” là hiện hữu nếu không hành động quyết liệt. Tuy nhiên, với chiến lược đúng đắn, học hỏi kinh nghiệm thành công và tránh vết xe đổ của các quốc gia bị mắc lại tại bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam hoàn toàn có khả năng bứt phá, vươn lên vị thế kinh tế cao hơn trên bản đồ thế giới.

Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long khuyến nghị trước nguy cơ già hóa dân số, người dân Việt Nam sẽ phải cải thiện rất nhiều về tinh thần, văn hóa, cách ứng xử, phong cách làm việc. Đặc biệt, cần xây dựng một nền tảng văn hóa với mục tiêu chiến lược quốc gia, xây dựng năng lực cho các đội ngũ một cách nhanh chóng.

Có hai ví dụ điển hình tại khu vực châu Á đó là: Nhật Bản, sau Thế chiến, người dân làm việc với tinh thần “thâu đêm suốt sáng,” cường độ cao, đặt mục tiêu vì sự phát triển quốc gia, kể cả khi đã lớn tuổi. Hay tại Hàn Quốc, văn hóa “tiến lên”, “nhanh lên” được truyền tải mạnh mẽ từ lãnh đạo đến toàn dân, giúp các doanh nghiệp như Samsung, Hyundai vượt qua nhiều thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản. Nhờ đó, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nhanh dù từng chịu ảnh hưởng lớn từ chiến tranh.

Giải pháp và hành động

TS. Vũ Hoàng Linh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đề xuất năm giải pháp nhằm giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình. Cụ thể như:

Thứ nhất, cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua môi trường kinh doanh và khuôn khổ pháp lý. Một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch sẽ thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển và gia tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý cần giảm thiểu các rào cản hành chính, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và doanh nghiệp, từ đó nâng cao niềm tin thị trường.

Ảnh màn hình 2025-01-22 lúc 20.53.33
Việt Nam hướng đến mục tiêu GDP bình quân đầu người 12.000 USD vào năm 2045

Để làm được điều này, chúng ta cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm tham nhũng, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong pháp luật kinh doanh.

Thứ hai, đa dạng hóa nền kinh tế, tập trung vào ngành công nghệ cao và chuỗi cung ứng giúp Việt Nam nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng bền vững.

Hiện nay, Chính phủ đã đang đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào các ngành công nghệ cao như sản xuất bán dẫn, AI và năng lượng tái tạo. Xây dựng các trung tâm công nghệ tại các thành phố lớn và khu công nghiệp.

Thứ ba, hệ thống giáo dục hiện tại cần đổi mới để phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự cạnh tranh lâu dài của quốc gia.Vì vậy cần thiết chuyển đổi giáo dục từ trọng lý thuyết sang ứng dụng, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng công nghệ. Hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo thực hành.

Thứ tư, đầu tư mạnh cho đổi mới sáng tạo như đầu tư vào R&D và hỗ trợ khởi nghiệp sẽ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Công nghệ mới không chỉ nâng cao năng suất mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Thứ năm, thúc đẩy tính bền vững của môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ xanh sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và gia tăng vị thế quốc gia trong phát triển bền vững.

Việt Nam cần tích hợp chính sách bảo vệ môi trường vào mọi chiến lược phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn xanh trong sản xuất và vận hành và xây dựng các dự án lớn về năng lượng tái tạo, như điện mặt trời, điện gió.

Những giải pháp này không chỉ nhắm vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo sự bền vững và khả năng thích ứng của Việt Nam trước các thay đổi toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào mô hình kinh tế truyền thống cũng như tránh bẫy thu nhập trung bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO