Khi BYD đã đầu tư vào Thái Lan và Indonesia, thì không cần đầu tư vào Việt Nam nữa. Có vẻ như Việt Nam lại “chậm chân” trong việc thu hút đầu tư vào ô tô điện.
>> Ô tô điện Trung Quốc tràn sang ASEAN, sau Thái Lan, Indo sẽ đến Việt Nam
Không chọn Việt Nam?
Hãng tin Reuters (Anh Quốc) dẫn nguồn tin từ lãnh đạo khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ cho biết, BYD hãng xe lớn của Trung Quốc đã hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện tại Việt Nam.
Trước đó, nhiều nguồn tin cho rằng, BYD đã quyết định xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô điện, tại khu công nghiệp Phú Hà ở tỉnh Phú Thọ, nơi nhà đầu tư này đang có một cơ sở sản xuất máy tính bảng cho Apple. BYD dự định sẽ sử dụng 100 ha đất tại khu công nghiệp này, để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện.
Theo Reuters, do ảnh hưởng từ những thay đổi trong chiến lược của BYD, cùng với sự suy thoái chung của thị trường xe điện, tập đoàn ô tô Trung Quốc đã quyết định hoãn lại kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy nói trên tại Việt Nam. BYD và cơ quan quản lý khu công nghiệp tại tỉnh Phú Thọ, sẽ tìm kiếm thời điểm thích hợp để tái khởi động dự án.
Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, BYD đã đầu tư 2 dự án sản xuất xe điện lớn vào Thái Lan và Indonesia. Ngày 19/3/2024, BYD bắt đầu vận hành thử dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Thái Lan. Theo các nguồn tin, quá trình sản xuất chính thức sẽ bắt đầu trong tháng 4. Nhà máy này có sản lượng theo kế hoạch là 150.000 xe mỗi năm.
Theo nguồn tin từ Chính phủ Indonesia, vào tháng 4/2024, BYD sẽ bắt đầu khởi công xây một nhà máy xe điện ở Indonesia. Tổng vốn đầu tư của hãng xe Trung Quốc khoảng 1,3 tỷ USD. Nhà máy của BYD ở Indonesia cũng có sản lượng 150.000 xe/năm.
Một số nhận định cho rằng, khi BYD đã đầu tư vào Thái Lan và Indonesia, thì không cần đầu tư vào Việt Nam nữa. Tạm hoãn dự án thực ra chỉ là cách nói ngoại giao mà thôi. Các chính sách dành cho xe điện của Việt Nam hiện chưa hoàn thiện và thiếu hấp dẫn, là nguyên nhân chính khiến BYD “tạm hoãn” đầu tư. Có vẻ như Việt Nam lại “chậm chân” trong việc thu hút đầu tư vào phát triển ô tô điện.
Mất cơ hội lớn?
Ngược lại, Thái Lan và Indonesia đang trở thành hai trong số những điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á đối với các nhà đầu tư sản xuất xe điện, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Thái Lan và Indonesia đã đặt mục tiêu sẽ trở thành cường quốc xe điện vào năm 2040.
Hai quốc gia này đã hiện thực hóa bằng những chính sách đồng bộ như: đánh thuế dựa trên phát thải Co2. Phát thải càng thấp thì thuế càng giảm, cùng với đó là ưu đãi lớn cho các nhà đầu tư và hỗ trợ người tiêu dùng mua xe điện, hỗ trợ phát triển hạ tầng... Nhờ đó, cả Thái Lan và Indonesia đã thu hút được hàng tỷ USD từ các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới.
Thái Lan dự kiến sẽ thu hút hơn 12 tỉ USD đầu tư vào sản xuất xe điện trong những năm tới. Indonesia ngoài các chính sách hấp dẫn, còn là một đất nước có trữ lượng niken lớn, một nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin xe điện.
Một số nguồn tin cho biết, hãng xe điện Tesla của Mỹ sắp đạt được thỏa thuận sơ bộ, để thành lập một nhà máy ở Indonesia. Tesla xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện ở Indonesia nhằm tận dụng nguồn cung dồi dào của nickel, ở quốc gia này. Theo các nguồn tin, nhà máy của Tesla ở Indonesia sẽ sản xuất tới 1 triệu xe điện mỗi năm.
Thái Lan và Indonesia là thành viên của khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) với ưu đãi thuế quan 0%, vì vậy thị trường còn mở ra toàn Đông Nam Á, với quy mô gần 700 triệu dân.
Tuy BYD “tạm hoãn” đầu tư vào Việt Nam nhưng sẽ không bỏ qua thị trường Việt Nam. Sản xuất xe tại Indonesia hay Thái Lan chắc chắn sẽ xuất khẩu sang Việt Nam.
Giám đốc maketing 1 doanh nghiệp ô tô Việt Nam cho biết, do chi phí sản xuất và thuế phí cao, nên mặt bằng giá ô tô tại Việt Nam cao hơn Thái Lan và Indonesia. Khi xuất khẩu xe từ Thái Lan và Indonesia sang Việt Nam, các nhà sản xuất được hưởng lợi rất lớn. Do mặt bằng giá tại Việt Nam cao, nên xe nhập khẩu cũng bán ra với giá cao. Sản xuất ở một nơi có chi phí thấp và bán ở nơi có giá cao, sẽ rất lý tưởng để tối đa hóa lợi nhuận. Ngoài được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%, xe điện còn được hưởng các chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức 3% và miễn lệ phí trước bạ của Chính phủ Việt Nam, vì vậy càng có lợi. Đầu tư vào Việt Nam chưa chắc đã hiệu quả bằng vào Thái Lan hay Indonesia rồi xuất khẩu sang Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường ô tô Việt Nam đến năm 2023 đạt quy mô khoảng 1 triệu xe/năm và sau năm 2035 sẽ đạt 1,8 triệu xe/năm. Không những thế, theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Như vậy, nhu cầu về ô tô điện sẽ rất lớn, thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có nguy cơ đánh mất cơ hội lớn để phát triển. Thị trường sẽ thuộc về Thái Lan và Indonesia.
Có thể bạn quan tâm
Giảm tiêu thụ 5-6 triệu thùng dầu mỗi ngày nhờ ô tô điện
04:37, 10/01/2024
Ô tô điện giá rẻ, sẽ “bùng nổ” vào năm 2024
04:16, 03/01/2024
Ô tô điện sạc 10 phút đủ chạy hơn 1.000km, không lo cháy nổ, sắp ra đường
04:39, 22/09/2023
Có nên hỗ trợ ô tô điện?
02:00, 20/09/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 10: Trung Quốc phát triển ô tô điện như thế nào?
04:30, 11/09/2023
Cơ hội cho ô tô điện mini
15:00, 20/09/2023