Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo COP26, sáng 02/10/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo COP26 và triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Qua đó, các cam kết quốc tế của Việt Nam đã được luật hoá. Chương trình hành động và nhiều chương trình, dự án, đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 được xây dựng, triển khai.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bối cảnh tình hình hiện nay càng khẳng định phát triển xanh là xu hướng tất yếu và việc thực hiện cam kết giảm phát thải cần có "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm", phân công "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm" để thực hiện nhiệm vụ thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với đó, phải kết hợp được sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, thực hiện nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng "0", bảo vệ môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhất là kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện JETP (Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng) và AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á)…
Bên cạnh đó, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được; các khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân khách quan, chủ quan; cần đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để thực hiện hiệu quả các cam kết tại COP26, nhất là cho ý kiến về việc sửa đổi khung pháp lý tạo thuận lợi cho đầu tư từ doanh nghiệp, quốc tế vào chuyển đổi năng lượng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, từ sau phiên họp lần thứ 4 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án cụ thể để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà.
Cùng với đó, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Kế hoạch hành động quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững; Để án triển khai JETP và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28; Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Thủ tướng cũng đã ban hành danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; danh mục lĩnh vực cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon…