Khi thị trường viễn thông bước vào giai đoạn bão hòa thì có thể nói rằng, "cuộc chiến" giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động với mục đích giữ chân thuê bao sẽ trở nên thực sự cần kíp.
Dấu hiệu bão hòa
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến cuối năm 2017, tổng số thuê bao di động đạt 119,7 triệu (giảm 1,3% so với cùng kỳ); đến cuối tháng 3/2018 tổng số thuê bao di động là 118,7 triệu (giảm 0,8% so với cùng kỳ).
Điều đáng chú ý, đó là kể từ khi Thông tư 47/2017/TT-BTTTT siết khuyến mại thuê bao trả trước về 20% đi vào hiệu lực đã khiến kết quả kinh doanh quý I/2018 của các nhà mạng lớn đều ghi nhận doanh thu từ thẻ nạp có nhiều biến động.
Chưa kể Thông tư 35/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số - MNP có hiệu lực từ trước đó (ngày 8/1/2018),.. đã khiến các nhà mạng phải đối diện không ít khó khăn.
Hết quý I, Viettel đạt 23,4% kế hoạch doanh thu cả năm. Về nộp ngân sách Nhà nước, dự kiến hết quý I, nhà mạng quân đội nộp 9.719 tỷ đồng, hoàn thành 26% kế hoạch năm.
Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch VNPT cho biết, doanh thu di động của tập đoàn giảm so với cùng kỳ năm ngoái do Thông tư 47 đi vào hiệu lực, siết khuyến mại cho thuê bao trả trước chỉ còn 20% so với mức 50% trước ngày 1/3. Doanh thu hợp nhất toàn VNPT tương đương cùng kỳ năm ngoái, đạt 24% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận đạt 21,5%, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Còn với MobiFone, đại diện nhà mạng này cho hay, tổng doanh thu của MobiFone trong quý I/2018 đã tăng so với cùng kỳ 6,3%. Lợi nhuận của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2018 đạt xấp xỉ 22% kế hoạch năm. Tuy nhiên, cũng như các nhà mạng khác, doanh thu về thoại, SMS của MobiFone giảm 73%.
Chia sẻ với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Phạm Hà Linh - chuyên viên phòng giá cước, tiếp thị của một nhà mạng lớn ở Hà Nội tâm sự phải chịu nhiều sức ép tìm ra các phương thức, giải pháp để phát triển thuê bao. Nhưng giá cước thì không thể hạ hơn. Khuyến mãi tài khoản khủng khi hoà mạng bị cấm, các gói cước được thiết kế linh hoạt cho từng đối tượng như học sinh, công nhân, thanh niên... đều đã "phủ sóng" hết. Cho nên có tính nát nước cũng không nghĩ ra được cách nào.
“Cuộc chiến” chăm sóc khách hàng
Với con số 120 triệu thuê bao trên tổng số 90 triệu dân, từ vài năm nay thị trường viễn thông di động đã bão hoà dẫn đến phát triển thuê bao trả trước mới gặp nhiều khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
18:29, 05/05/2018
15:47, 17/04/2018
Với các nhà cung cấp lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone đang nắm giữ phần lớn thị phần di động (riêng Viettel là 46,7% thị phần) cho thấy sức ép từ cuộc chạy đua này diễn ra ngày một quyết liệt hơn. Song, việc phát triển thuê bao mới lại không đơn giản khi cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các quy định siết chặt quản lý với thuê bao trả trước, do vậy có thể hiểu rằng, cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng còn nhằm giữ chân các thuê bao đang có.
Vì vậy, để giữ chân thuê bao, các nhà mạng liên tiếp đưa ra các gói cước có lợi cho khách hàng. Trong "cuộc chiến" này, nhà mạng nào chăm sóc khách hàng tốt hơn, cung cấp dịch vụ chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì sẽ giành chiến thắng.
Trước hết, phải kể đến nhà mạng MobiFone bắt tay nhà sản xuất Bphone áp dụng hình thức phân phối Bphone 2 với giá ưu đãi cực khủng.
Một chiếc Bphone 2017 mới bán qua chuỗi Thế Giới Di Động có giá 9,789 triệu đồng. Còn mua qua nhà mạng MobiFone, khách hàng chỉ phải trả 3,9 triệu đồng, kèm theo hợp đồng 2 năm với nhà mạng, gọi điện, nhắn tin và data "tẹt ga" với cước 200.000 đồng/ tháng.
Việc phân phối smartphone qua nhà mạng đã có từ lâu, với việc phân phối iPhone của Viettel và VinaPhone, đến nay các nhà mạng đã tham gia vào chuỗi phân phối phần cứng smartphone, song hình thức này không mấy thu hút.
Nay, chương trình hợp tác giữa MobiFone và nhà sản xuất Bphone phân phối smartphone đến tay khách hàng, kể cả cộng cước và giá máy, tổng chi phí khách hàng phải trả thấp hơn so với giá bán trên thị trường, chưa kể không yêu cầu ký quỹ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên có thiết bị di động phân phối qua nhà mạng có lợi cho thuê bao như vậy.
Phản hồi thị trường cho thấy những tín hiệu tích cực khi chỉ sau vài ngày, nhiều đại lý, trung tâm giao dịch của MobiFone không có hàng để bán. Đáng tiếc đây không phải là chương trình đại trà, chỉ bán 1000 chiếc Bphone đầu tiên trong khuôn khổ kỷ niệm 25 năm thành lập nhà mạng MobiFone. Tuy không ồn ào nhưng đó như là một dấu hiệu cho thấy có thể sẽ là một bước đột phá trong thị trường viễn thông thời điểm này.
Nhưng biết “lấy lòng” người dùng hơn cả, có lẽ phải kể đến nhà mạng Vietnamobile khi hãng này vừa cho ra mắt “siêu thánh sim”- phiên bản nâng cấp “phê tột đỉnh” tích hợp thêm nhiều ưu đãi vượt trội đặc biệt là miễn phí thoại, nhắn tin nội mạng và giảm giá thoại ngoại mạng chỉ còn 550đ/phút.
Sản phẩm“siêu thánh sim” cập nhật nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho người dùng, đó là cung cấp miễn phí cho người dùng data tốc độ cao lên đến 4GB/ngày trong suốt 30 ngày. Hơn thế nữa, sản phẩm còn miễn thoại, nhắn tin nội mạng và giá cước thoại ngoại mạng chỉ 550 đồng/phút. Sản phẩm này lên kệ từ tháng 5/2018 với giá niêm yết là 60.000 đồng/SIM. Điều kiện bắt buộc để người dùng duy trì ưu đãi của Siêu Thánh SIM là nạp thẻ và tiêu dùng tối thiểu 40.000đ/tháng.
Chưa rõ “cuộc chiến” giữa các nhà mạng sẽ được tiếp diễn như thế nào nhưng rất có thể đã được âm thầm xác lập, các nhà mạng ngoài việc nỗ lực giữ chân thuê bao sẽ tìm mọi cách để kéo thuê bao về mạng của mình.
Trong cuộc chiến đó, chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng nhà mạng nào tốt hơn sẽ dành chiến thắng.