Vinafood II: Từ “khai khống” đến lùm xùm đất công

Nguyễn Việt 24/05/2019 06:00

Vinafood II gánh lỗ gần 1.500 tỉ đồng vì công ty con “khai” khống hàng tồn kho. Cùng với hoạt động trích lập dự phòng sau CPH gần 1.200 tỉ đồng khiến Vinafood II lỗ nặng.

Tại thời điểm kết thúc năm 2018, Imex Trà Vinh đã lập dự phòng tổn thất toàn bộ cho số hàng thiếu chờ xử lý (giá trị 662 tỉ đồng) khiến cho tổng giá trị các khoản dự phòng tăng lên 1.282 tỉ đồng trên tổng nợ xấu 1.310 tỉ đồng.

Tại thời điểm kết thúc năm 2018, CTCP Lương thực Trà Vinh (Imex Trà Vinh) đã lập dự phòng tổn thất toàn bộ cho số hàng thiếu chờ xử lý (giá trị 662 tỉ đồng) khiến cho tổng giá trị các khoản dự phòng của Vinafood II tăng lên 1.282 tỉ đồng trên tổng nợ xấu 1.310 tỉ đồng.

Tổng công ty lương thực Miền Nam (Vinafood II) vừa công bố báo cáo kiểm toán đầu tiên kể từ sau thời điểm cổ phần hóa (ngày 9/10/2018). Trong giai đoạn từ 9/10/2018 đến 31/12/2018, Vinafood II đạt doanh thu thuần 2.587 tỉ đồng; đáng chú ý các khoản chi phí dự phòng được ghi nhận sau khi cổ phần hóa khiến công ty lỗ ròng tới 1.488 tỉ đồng. Trong đó, dự phòng tổn thất đầu tư phản ánh vào chi phí tài chính 108 tỉ đồng; ngoài ra còn khoản dự phòng phản ánh vào chi phí quản lý doanh nghiệp 1.189 tỉ đồng.

Dự phòng tăng mạnh do "sự cố" Imex Trà Vinh

Trước đó, trong giai đoạn từ đầu năm đến ngày 9/10/2018, Vinafood II đem về 15.154 tỉ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 13 tỉ đồng. Tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của Vinafood II còn lại 8.892 tỉ đồng, giảm gần 2.000 tỉ đồng so với trước đó hai tháng. Các khoản mục biến động mạnh gồm có phải thu ngắn hạn khách hàng giảm từ 1.163 tỉ đồng xuống còn 645 tỉ đồng; ngược lại giá trị dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng từ vỏn vẹn 91 tỉ đồng lên 1.282 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nguyễn Kim, Vinafood II ngậm nhiều trái đắng, đến lượt Vĩnh Hoàn đóng cửa công ty lương thực

    Nguyễn Kim, Vinafood II ngậm nhiều trái đắng, đến lượt Vĩnh Hoàn đóng cửa công ty lương thực

    01:58, 15/03/2019

  • Dư nợ vay của Vinafood II gần 2.300 tỷ

    Dư nợ vay của Vinafood II gần 2.300 tỷ

    06:25, 24/05/2018

Nguyên nhân dự phòng tăng mạnh do sự cố tại CTCP Lương thực Trà Vinh (Imex Trà Vinh) diễn ra hồi đầu năm 2018. Trong giai đoạn từ tháng 1/2012 đến tháng 9/2017, Imex Trà Vinh lỗ hơn 814 tỉ đồng nhưng báo cáo lỗ thành lãi cho Vinafood II gây thiệt hại 216 tỉ đồng.

Cụ thể, Imex Trà Vinh sử dụng tiền vay ngân hàng để mua bán khống lúa gạo và phụ phẩm các loại (có chuyển tiền) hơn 104 tỉ đồng; thiệt hại qua việc ký hợp đồng mua bán khống giữa Imex Trà Vinh với 20 doanh nghiệp để nâng khống hàng tồn kho, nâng khống công nợ là hơn 68 tỉ đồng; không lập chứng từ kế toán theo quy định khi mua bán lúa ST5 tại Xí nghiệp Càu Kè gây thiệt hại hơn 42 tỉ đồng…

Tai tiếng  vì “thôn tính” đất vàng

Trước đó, Vinafood II đã vướng vào phi vụ "đất vàng" công sản ở Sài Gòn. Khu đất vàng thuộc diện công sản tọa lạc tại số 33 Nguyễn Du và 34 - 36 - 42 đường Chu Mạnh Trinh, P.Bến Nghé, Q.1, từng do Vinafood II quản lý, sử dụng. Thanh tra Chính phủ từng có kết luận thanh tra cho thấy những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Vinafood II, trong đó có đề cập việc "hô biến" công sản khu đất vàng nói trên nhưng đến nay, việc xử lý hậu quả còn chậm chạp, bỏ ngỏ.

Riêng lô đất vàng tại số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh (Q.1) mà Vinafood II tiếp quản, sử dụng từ sau giải phóng đến nay, được bố trí làm nhà ở của cán bộ - nhân viên Vinafood II. Khu đất có tổng diện tích 6.274m vuông, được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 2010. Đến năm 2008, khu đất được phê duyệt chủ trương giải tỏa để làm dự án khách sạn cao cấp – cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.

Thời điểm năm 2008, giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên được 1 số cơ quan quản lý Nhà nước tính để làm căn cứ nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất, xác định là hơn 633 tỷ đồng. Đến giai đoạn đầu năm 2015, Vinafood II họp hội đồng thành viên, ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương liên kết với Cty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân để thành lập công ty TNHH hai thành viên thực hiện dự án.

Sau đó hai bên thỏa thuận cho ra đời liên doanh là Cty Việt Hân Sài Gòn, vốn điều lệ 800 tỷ đồng, trong đó Vinafood II góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần giá trị quyền sử dụng khu đất; 80% còn lại là Cty Việt Hân góp bằng tiền mặt. Được biết, Cty Việt Hân gắn với tên tuổi đại gia Đinh Trường Chinh, trong thời gian gần đây liên tiếp bị chính quyền các tỉnh, thành thu hồi dự án do chậm triển khai.

Đáng nói, 7 năm sau nhưng giá trị khu đất vẫn được tính với giá hơn 633 tỷ đồng như thời điểm năm 2008. Đặc biệt có 2 đơn vị đề nghị tham gia dự án, với giá trị cao hơn nhưng lựa chọn nhà đầu tư là do Vinafood 2 tự quyết.

Trong nghị quyết nói trên cũng như nhiều văn bản mà Vinafood II báo cáo, giải trình tới Bộ NN&PTNN, UBND TP HCM cũng như cơ quan quản lý Nhà nước đề cập, chi phí đền bủ giải tỏa, di dời 34 hộ dân đang sống tại khu đất do Cty TNHH hai thành viên chi trả. Đặc biệt Vinafood II sẽ thoái 20% vốn góp trong Cty TNHH hai thành viên sau khi được phê duyệt dự án và phía Cty TNHH hai thành viên cam kết mua lại, không thấp hơn giá vốn ban đầu khi góp vốn.

Có thể nói Vinafood II đã có kế hoạch thoái vốn từ trước khi có thỏa thuận hợp tác với Cty Việt Hân, đây thực chất là hình thức lách luật bán công sản “đất vàng” giá rẻ. Theo nhiều chuyên gia nhìn nhận, đó là một quy trình tưởng chừng rất chặt chẽ và “đất vàng” công sản dễ dàng rơi vào tay tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vinafood II: Từ “khai khống” đến lùm xùm đất công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO