Vinalines phải hoàn thành 3 chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2019 là đạt sản lượng vận tải biển 4.670.000 tấn; doanh thu 1.549 tỷ đồng; lợi nhuận 0 đồng.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Quyết định số 137/QĐ - UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Vinalines cũng được yêu cầu thực hiện kế hoạch đầu tư tối đa không quá 254 tỷ đồng (không bao gồm số tiền Tổng công ty phải hoàn trả để thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đã chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư Khoáng sản Hợp Thành theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ).
Có thể bạn quan tâm
05:00, 16/04/2019
17:44, 10/04/2019
11:01, 14/03/2019
07:20, 08/12/2018
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty rà soát lại toàn bộ danh mục dự án đầu tư dự kiến trong năm 2019. Chỉ quyết định đầu tư các dự án thật sự cần thiết, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và giải ngân hiệu quả. Tổng công ty cũng được yêu cầu hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần; hợp nhất các doanh nghiệp cùng bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinalines và tiến hành các chiến dịch quảng bá thương hiệu, phát triển kinh doanh tại thị trường trong và ngoài nước.
Vinalines chuyển đại diện chủ sở hữu từ Bộ Giao thông vận tải về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 10/2019. Trong năm 2018, Vinalines đạt 365 tỷ đồng, trong đó: lợi nhuận khối cảng biển: 1.022 tỷ đồng, khối dịch vụ hàng hải: 83 tỷ đồng và khối vận tải biển giảm lỗ 209 tỷ đồng, giảm lỗ trên 80% so với kế hoạch…
Trước đó, chia sẻ về những khó khăn của Vinalines, Quyền Tổng giám đốc Vinalines - ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, công cuộc tái cơ cấu Vinalines diễn ra trong giai đoạn thị trường vận tải biển khá bất lợi, giá cước thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Cả chủ nợ, bên nhận nợ và Vinalines đều chưa có kinh nghiệm xử lý các khoản công nợ lớn, phức tạp, dẫn đến nhiều mục tiêu tái cơ cấu phải kéo dài thời gian thực hiện.
Trên thực tế, sự phục hồi của Vinalines tuy đã rõ nét, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp vận tải biển của Vinalines tuy đã được triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tái cơ cấu, như xử lý tài sản gây thua lỗ, tái cơ cấu đội tàu, tái cơ cấu tài chính, tiết giảm chi phí, tinh giảm bộ máy…, nhưng kết quả mới dừng ở việc giảm lỗ. Nhiều đơn vị vận tải chưa thoát khỏi thua lỗ và vẫn tiếp tục tái cơ cấu để cải thiện dần kết quả hoạt động kinh doanh.
Một lo lắng nữa đối với lãnh đạo Vinalines và các cổ đông của doanh nghiệp này là việc tái cơ cấu các khoản nợ của Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB chưa được xử lý triệt để, do ngân hàng này chưa có cơ chế mua bán nợ theo cơ chế thị trường như các ngân hàng thương mại đang thực hiện.
“Các giải pháp tái cơ cấu nợ tại VDB, vì lẽ đó mới chỉ là khoanh nợ, giãn nợ, xóa lãi vay, nên bản chất các khoản nợ xấu vẫn còn, trong khi đó, tài sản ngày một bị mất giá. Do vậy, Vinalines và các đơn vị thành viên không thể xử lý dứt điểm các khó khăn về tài chính”, ông Tĩnh cho biết.