Vinalines tạo đà trước thềm IPO?

Nha Trang 26/01/2018 15:30

Khoản lợi nhuận hợp nhất khoảng 500 tỷ đồng đã giúp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lần đầu tạm biệt điệp khúc "từ lỗ tới hòa". Tuy nhiên, không phải là đã hết ghập ghềnh!

Trong một thời gian dài (2011 -2016), Vinalines chứng kiến một chặng đường rất xấu với kỷ lục thua lỗ được xác lập vào năm 2012 là 8.171 tỷ đồng, trước khi giảm xuống còn 3.178 tỷ đồng khi năm tài chính 2014 kết thúc. Cho đến tận năm 2016, Vinalines mới lần đầu chạm điểm hòa vốn với lợi nhuận sau thuế 33 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lợi nhuận tài chính do thoái vốn tại một số công ty thành viên.

Tạm biệt điệp khúc "từ lỗ tới hòa"

Để khắc phục tình trạng đó, trong những năm qua, hoạt động của Vinalines luôn phải đi đều “hai chân”: phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines thông tin, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của Vinalines đã có nhiều bước chuyển biến khi doanh thu hợp nhất gần 16.000 tỷ đồng (đạt 114,8 % so với kế hoạch); lợi nhuận đạt 515 tỷ đồng.

Mặc dù còn phải chờ con số chính xác từ báo cáo tài chính, nhưng khoản lợi nhuận 515 tỷ đồng vẫn là kết quả kinh doanh tốt nhất của Vinalines trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Theo thống kê của Vinalines, trong năm 2017, Tổng công ty đã xử lý được 6.598 tỷ đồng, gồm 1.002 tỷ đồng nợ gốc được khoanh tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và giảm 5.595 tỷ đồng nợ (nợ gốc giảm 3.913 tỷ đồng, lãi giảm 1.682 tỷ đồng). Tổng kết quả xử lý nợ giai đoạn 2014 - 2017, Công ty mẹ Vinalines đã giảm được 10.747 tỷ đồng nợ; các doanh nghiệp thành viên giảm được 2.345 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2017, dư nợ toàn Tổng công ty chỉ còn 14.743 tỷ đồng, bằng 23% so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại 39 doanh nghiệp, trong đó thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 doanh nghiệp, thu về 2.428 tỷ đồng, lãi 360 tỷ đồng.

Công ty cũng đã thực hiện bán thanh lý 6 tàu với tổng trọng tải khoảng 125.000 DWT nhưng trong năm 2017, đội tàu (gồm 91 tàu, tổng trọng tải 1,8 triệu DWT) của Vinalines vẫn đạt sản lượng 24,7 triệu tấn, tăng 6,3% so với kế hoạch năm, tăng 2,1% so với năm 2016.

Trong khối cảng biển đã chứng kiện sự vươn lên đạt 88,3 triệu tấn hàng thông qua, tăng 11,2% so với kế hoạch năm và tăng 13% so với năm 2016, trong đó sản lượng container đạt 3,9 triệu tấn, tăng 27,9% so với năm 2016.

Nhờ cú hích từ cảng biển và vận tải biển bước đầu thoát khỏi “sương mù thua lỗ”, Vinalines đã đạt tổng doanh thu 15.943 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kế hoạch; đồng thời tạo lợi nhuận vượt xa kỳ vọng là cân bằng về lợi nhuận, đề ra hồi đầu năm”, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Trên thực tế, cùng với sự ấm dần lên của thị trường vận tải biển, Vinalines đã bắt đầu hái những thành quả đầu tiên của việc chủ động tìm đến chủ hàng, thay vì chờ đợi chân hàng như trước.

Vẫn còn những khó khăn

Được biết, trong tờ trình Chính phủ về phương án cổ phần hóa (CPH) Vinalines hồi cuối tháng 12/2017, Bộ GTVT đã đề xuất lựa chọn hình thức CPH là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Cụ thể, Vinalines có số vốn điều lệ dự kiến sau CPH là 13.916 tỷ đồng (tương đương 1,391 tỷ cổ phần mệnh giá 10.000 đồng), trong đó, cổ đông Nhà nước sở hữu 904,5 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ. Ngoài số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên (khoảng 0,13% vốn điều lệ), Vinalines sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 30% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại khoảng 67,324 triệu cổ phần, tương đương 4,84% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai thông qua phương thức bán đấu giá, được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội.

Bản thân Vinalines cũng xác định cổ phần hóa, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược Công ty mẹ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 và sẽ được thực hiện trước 30/6.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thay thế cho Nghị định số 59/2011/NĐ-CP (ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần), nếu Vinalines không chốt kịp phương án cổ phần thì “ông lớn” ngành hàng hải này sẽ phải cập nhật lại toàn bộ “hải trình” cổ phần hóa.

Trên thực tế, hiện phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Vinalines vừa được Văn phòng Chính phủ xin ý kiến các bộ, ngành. Nếu không có đột biến, phương án cổ phần hóa chỉ có thể được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua vào quý I/2018, khiến Vinalines chính thức “lỡ tàu” với Nghị định số 59.

Trong trường hợp phải tua lại phương án cổ phần hóa theo các quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, công tác cổ phần hóa Vinalines sẽ kéo dài, không đảm bảo thời gian bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) theo tiến độ. Điều này sẽ làm tổn thất cho Tổng công ty về thời gian, Nhà nước phải mất thêm chi phí cổ phần hóa.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc cổ phần hóa của Vinalines. Cụ thể, khi chuyển sang công ty cổ phần, đơn vị này phải trích lập ngay khoản dự phòng đầu tư tài chính với số tiền là 2.759 tỉ đồng vào chi phí kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên dẫn đến kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ lỗ lớn. Khoản lỗ này sẽ làm giảm phần vốn nhà nước tại công ty mẹ - tổng công ty.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng lo ngại việc hạch toán không điều chỉnh lại giá trị tài sản theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (đã được đánh giá lại sát với giá trị thị trường) mà giữ nguyên giá trị tài sản theo sổ sách kế toán dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí kinh doanh tăng cao.

Khi xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị tài sản của công ty mẹ - tổng công ty (chủ yếu là tàu biển) giảm khoảng 862 tỉ đồng so với giá trị sổ sách. Chi phí khấu hao tăng cao dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với các hãng tàu khác tại Việt Nam và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vinalines tạo đà trước thềm IPO?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO