Với chính sách xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp; coi cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ, trách nhiệm … thu hút đầu tư FDI Vĩnh Phúc năm 2020 có nhiều dấu hiệu tích cực trước đại dịch COVID.
Số liệu báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID - 19 trên toàn thế giới, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt kết quả thấp so với cùng kỳ năm 20191. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có sự sụt giảm rõ rệt, trong khi đó thu hút đầu tư trong nước (DDI) mặc dù không bằng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đạt kết quả khá so với mục tiêu đề ra.
Thông tin đầu tư luôn mở
Nhưng tới 6 tháng cuối năm 2020, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có nhiều khả quan. Cụ thể, trong quý IV năm 2020 đã cấp mới cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư 4.652,39 tỷ đồng và tăng vốn cho 9 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng là 206,52 tỷ đồng. Tổng vốn cấp mới và tăng vốn đạt 4.858,9 tỷ đồng, bằng 93,46% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 88,05% kế hoạch năm (5.500 tỷ đồng).
Dự kiến cả năm 2020, toàn tỉnh thu hút 31 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 651,16 triệu USD (trong đó vốn cấp mới là 452,19 triệu USD và tăng vốn đạt 198,97 triệu USD), bằng 56,2% so với năm 2019 và vượt kế hoạch năm (550 triệu USD).
Thu hút đầu tư trực tiếp trong nước tiếp tục vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến trong năm 2020, toàn tỉnh thu hút 44 dự án DDI mới với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 7.468,72 tỷ đồng (trong đó vốn cấp mới đạt 7.253,71 tỷ đồng và tăng vốn là 215,01 tỷ đồng).
Có được những kết quả này trong bối cảnh dịch bệnh, Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều chính sách cởi mở, minh bạch, không cát cứ thông tin với các nhà đầu tư, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tìm được thông tin các dự án tỉnh kêu gọi đầu tư.
Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ đầu năm tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư. Liên tục rà soát, cập nhật và bổ sung thêm danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dự án tỉnh đang thu hút, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin tình hình đầu tư, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành và vùng lãnh thổ, chính sách pháp luật, tiềm năng, thị trường và đối tác đầu tư, tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
Đồng thời, xây dựng và thiết kế mới bộ tài liệu xúc tiến đầu tư của tỉnh (sử dụng 05 ngôn ngữ: tiếng Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung) phục vụ cho các hoạt động xúc tiến đầu tư và đối ngoại. Bộ tài liệu đã được các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước: Nga, Đức, Italia, Ấn Độ, Nam Phi, UAE đánh giá cao về chất lượng nội dung và thiết kế. Ngoài ra, tỉnh đã in hàng nghìn đĩa DVD giới thiệu quy hoạch chung của tỉnh để cung cấp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Công tác hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục và kịp thời. Các sở, ngành của tỉnh đã chung tay tiếp, hướng dẫn và tư vấn cho nhà đầu tư về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ thực hiện TTHC; cung cấp thông tin liên quan đến dự án nhà đầu tư quan tâm; cung cấp thông tin về môi trường xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Đáng quan tâm, doanh nghiệp vướng ở đâu được tháo gỡ ở đó. Chỉ tính từ ngày 01/01/2020 đến 31/09/2020 tỉnh đã tổ chức 32 kỳ gặp gỡ doanh nghiệp. Các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đều được giải quyết kịp thời cả về thủ tục đầu tư và các vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp thông qua các kênh: văn bản, cổng thông tin đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền, gặp trực tiếp, điện thoại, email và “hệ thống tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân"…
Kiên quyết rút ngắn thời gian giải quyết TTHC
Vĩnh Phúc luôn xác định rõ, muốn thu hút được các nhà đầu tư đến với tỉnh không thể đợi các nhà đầu tư mà phải chủ động, tranh thủ các cơ hội, tiếp cận, ”bày” ra môi trường thuận lợi nhất để nhà đầu tư an tâm, hài lòng khi đến với tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, thực hiện tốt mục tiêu này.
Tỉnh đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 và Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020… hướng tới tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng hơn nữa.
“Chúng tôi tiếp tục phấn đấu nằm trong tốp 10 tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, mục tiêu đạt điểm số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tối thiểu năm 2020 phải đạt 70 điểm trở lên (tăng 3,25 điểm so với năm 2019)”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để nâng cao chỉ số PCI năm 2020 và những năm tiếp, Vĩnh Phúc sẽ tập trung tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp và điểm số thấp như tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch… Mặt khác, tiếp tục duy trì và cải thiện các chỉ số có điểm số và thứ hạng cao: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức.
Quan trọng hơn, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương đồng thời là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng với đó, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tại cơ quan, đơn vị; các sở, ban, ngành địa phương được Vĩnh Phúc đưa lên hàng đầu trong công cuộc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy và triển khai thực hiện có hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và các địa phương. Ứng dụng chữ ký điện tử (chữ ký số) đối với các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đối với một số thủ tục hành chính.
Nghiên cứu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính coi đây là một trong những giải pháp chủ đạo để tạo sự minh bạch, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực tạo môi đầu tư thông thoáng hấp dẫn…
Có thể bạn quan tâm
04:30, 29/11/2020
04:13, 19/11/2020
11:36, 08/11/2020
22:58, 22/10/2020
04:30, 19/10/2020