Cắt giảm tối đa thời gian, chi phí TTHC mọi lĩnh vực; hiện đại hoá dịch vụ công trực tuyến; cải cách bộ máy,... đang được Vĩnh Phúc thực hiện rất hiệu quả.
Theo Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP và Kế hoạch số 51/KH-UBND về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Chuyển biến tích cực
Đến nay công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực ở tất cả các lĩnh vực. Các quy định về điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật.
Việc đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm QLVB&ĐH tại 176 cơ quan, đơn vị, địa phương bao gồm 40 sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 136 xã, phường, thị trấn.
Tính đến nay, Cổng dịch vụ công tỉnh Vĩnh Phúc đã tích hợp được 378 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 249 dịch vụ công mức độ 3 và 129 dịch vụ công mức độ 4. Tính riêng từ 01/01/2020 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 7.395 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số 25.546 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 29%).
Tỉnh đã cung cấp 5 dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó có 2 dịch vụ công do Văn phòng Chính phủ triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, 3 dịch vụ công còn lại tỉnh triển khai trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử để tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ thông qua phần mềm.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã có nhiều sáng kiến, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Sở TT&TT tỉnh phối hợp với Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT triển khai gửi nhận văn bản điện tử liên thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh. Ngoài khả năng liên thông gửi nhận văn bản điện tử giữa cấp tỉnh/huyện/xã hệ thống phần mềm quản lý văn bản dùng chung còn có thể liên thông gửi nhận văn bản điện tử lên Trục liên thông văn bản quốc gia với các cơ quan trung ương.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hoá, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4.
Thời gian thành lập doanh nghiệp được duy trì trong 03 ngày làm việc theo quy định của Luật doanh nghiệp. Thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư cấp tỉnh không quá 25 ngày, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quá 15 ngày. Hệ thống phần mềm cung cấp cho Người nộp thuế trong việc hỗ trợ kê khai, nộp thuế điện tử thường xuyên được nâng cấp đã giúp cho người nộp thuế giảm thiểu được thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người nộp thuế của cơ quan thuế đang được thực hiện ở cấp độ 3,4. Đến nay, 100% người nộp thuế là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế thực hiện việc khai thuế điện tử, 98% người nộp thuế thực hiện nộp thuế điện tử, 100% người nộp thuế thực hiện hoàn thuế điện tử.
Trong lĩnh vực xây dựng, thời gian giải quyết TTHC trong công tác thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng đang thực hiện đã cắt giảm tối thiểu 20% theo quy định, riêng thủ tục cấp giấy phép xây dựng giảm lên đến 73,3% thời gian giải quyết. Thời gian thực hiện các thủ tục thẩm định dự án/thiết kế cơ sở/thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công/cấp giấy phép xây dựng tối đa chỉ còn 56 ngày (so với yêu cầu của Chỉ thị tối đa còn 63 ngày).
Ngành ngân hàng cũng đẩy mạnh cải cách TTHC như cắt giảm, cải tiến thủ tục cho vay, quy trình dịch vụ. Thời gian, số lần giao dịch giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 10-20%, một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 25% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và giảm 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng; giảm 70%-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến. 100% ngân hàng thương mại duy trì công khai trên trang tin điện tử các thông tin về quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ đối với khách hàng.
Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, không chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; đảm bảo không thanh tra, kiểm tra mỗi doanh nghiệp quá 01 lần/năm theo Chỉ thị số 20/CT-TTg nhằm giảm thiểu đến mức tối đa sự phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Các cuộc thanh tra đã tập trung vào những lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm có nhiều ý kiến của cử tri và công luận.
Tập trung cải cách thể chế, hiện đại hóa nền hành chính
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra đầu năm trong công tác cải cách hành chính, những tháng còn lại của năm, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành TW về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, phấn đấu đạt được các mục tiêu kế hoạch 51/KH-UBND đã đề ra.
Các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 trong đó tập trung vào cải cách TTHC trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC trên các lĩnh vực.
Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tác động của dịch COVID -19 để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi đầu tư và tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, các hiệp hội, nhà đầu tư theo các hình thức phù hợp.
Từ nay đến cuối năm, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công chức, công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ. Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Nhằm đạt hiệu quả cải cách hơn nữa, Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh kiến nghị các bộ ngành, trung ương tiếp tục cắt giảm TTHC và “giấy phép con”; rà soát các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh để sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh nhất là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện...
Có thể bạn quan tâm
16:52, 01/10/2020
20:01, 24/09/2020
04:00, 21/09/2020
18:15, 19/09/2020
19:49, 10/09/2020