Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp máy tính, điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử.
Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và công nghệ số; 540 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải và logistics sử dụng công nghệ số và trên 470 doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số, chiếm khoảng 35% tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh.
Về số lượng các dự án đầu tư, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có trên 200 dự án thuộc nhóm ngành nghề điện tử hoạt động, chiếm khoảng 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp.
Đóng góp lớn về giá trị công nghiệp và lao động
Các doanh nghiệp FDI trong ngành chiếm gần 50% doanh nghiệp FDI toàn tỉnh. Trong đó, có đến 90 doanh nghiệp có quy mô lớn và sản phẩm của các doanh nghiệp này đang được xuất khẩu hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic...
Ngành sản xuất linh kiện điện tử chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp và là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh Vĩnh Phúc. Ngành công nghiệp điện tử, tin học và thiết bị điện đã trở thành một trong 2 nhóm ngành có đóng góp lớn nhất về giá trị công nghiệp và lao động trong cơ cấu công nghiệp tỉnh.
Giải quyết việc làm cho hơn 75.000 lao động, chiếm 65% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp.
Những năm qua dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng ngành sản xuất điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Tổng doanh thu sản xuất linh kiện điện tử năm 2022 đạt 194.103 tỷ đồng, tăng 24,4%; giá trị xuất khẩu tăng 15% so với năm 2021.
Sang năm 2023, dù chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng nền kinh tế thế giới nhưng tăng trưởng của ngành sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh vẫn là điểm sáng. Sau khi có mức giảm sâu ở tháng 01/2023, tốc độ tăng trưởng đã trở lại và duy trì mức tăng 2 con số.
Trong đó, tháng 4 tăng 19,13%, tháng 5 ước tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023… giá trị gia tăng 6 tháng tăng khoảng 14,17%, đóng góp 2,82 điểm % vào tốc độ tăng GRDP chung của tỉnh.
Theo thống kê của tỉnh, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Vĩnh Phúc đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới như: Mỹ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc…
Với sự hiện diện của nhiều công ty trong ngành công nghiệp điện tử như Công ty TNHH Compal Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc) chuyên sản xuất máy tính xách tay và thiết bị ngoại vi… Vĩnh Phúc được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp máy tính, điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử.
Xúc tiến, thu hút đầu tư
Để hiện thực hoá tiềm năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện tử, Nghị quyết Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu “Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”. Ông Nguyễn Văn Độ cho biết, hiện tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng “thu hút có chọn lọc”, “thu hút chủ động”, “thu hút dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường”.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh xây dựng chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao mang tính đột phá để không bỏ lỡ cơ hội thu hút các tập đoàn lớn, các dòng vốn đầu tư chất lượng, các dự án công nghệ cao.
Theo đó, tỉnh định hướng thu hút các tập đoàn đa quốc gia nắm giữ đầu chuỗi, nhất là hai đầu chuỗi (thiết kế, R&D và marketing, quản lý thương hiệu) và các công ty sản xuất theo hợp đồng chính của các chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo công nghệ cao.
Trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực tham gia hiệu quả và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, gồm: sản xuất, chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; linh kiện và thiết bị điện, ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện tử viễn thông, máy tính thương hiệu Việt Nam, điện thoại di động, linh kiện điện tử phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Tập trung thu hút các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu về máy tính. Ở phân khúc thấp hơn trong chuỗi là các doanh nghiệp Đài Loan quản lý chuỗi sản xuất, lắp ráp với tư cách nhà cung ứng thầu phụ chính.
Ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Vĩnh Phúc (và Việt Nam) trong lĩnh vực điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử khác. Tập trung thu hút các tập đoàn lớn (như Vsmart, Viettel, VNPT) và các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo dựng hệ thống doanh nghiệp cung ứng, hình thành mạng lưới sản xuất trên địa bàn tỉnh. Chủ động tiếp cận các tập đoàn đầu chuỗi trong ngành máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử cùng danh sách các nhà cung cấp của các tập đoàn đầu chuỗi này để xúc tiến đầu tư.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và hạ tầng kỹ thuật, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng xã hội để đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài của người lao động, chuyên gia; tạo điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, khoa học công nghệ và môi trường đổi mới sáng tạo; củng cố khả năng liên kết giữa hoạt động sản xuất đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước.
Có thể bạn quan tâm
16:55, 29/07/2023
04:00, 27/07/2023
04:05, 24/07/2023