Việc Vĩnh Tường triển khai Đề án phát triển kinh tế đêm đang là ‘hiện tượng” để các địa phương tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Vĩnh Tường là huyện đồng bằng nằm về phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, là huyện có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều làng nghề truyền thống và ẩm thực phong phú, đặc sắc. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện khá phát triển và ngày càng được đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ và hiện đại. Nhiều xã, thị trấn kinh tế phát triển khá sôi động và mức độ hội nhập cao.
Kinh tế ban đêm và định hướng phát triển ở Việt Nam
Như tên gọi, kinh tế ban đêm (KTBĐ) là chỉ tất cả những hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm. Khung giờ “đêm” tùy thuộc vào quan niệm, có thể hẹp trong khoảng từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối, nhưng cũng có thể kéo dài từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng của ngày hôm sau.
Hiện nay, KTBĐ đã và đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có tiềm năng về tài nguyên du lịch. Xu hướng kinh tế này góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm cơ hội để phát triển kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế và phục vụ tốt hơn cho các nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân. KTBĐ không chỉ góp phần tăng thu nhập cho nền kinh tế mà nó còn “kéo dài thời gian sống” của thành phố.
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển KTBĐ, đặc biệt là có nguồn tài nguyên du lịch với sự đa dạng về văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật đặc sắc cùng với mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu, nền chính trị ổn định sẽ tạo nên nhiều tiềm năng để Việt Nam có thể phát triển KTBĐ. Theo đó, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển KTBĐ nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch. Đề án “phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” là khung chính sách để các cơ quan, tổ chức ở các cấp, ngành, địa phương triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phát triển kinh tế đêm trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn cả nước thời gian tới.
Những năm qua, ở nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình KTBĐ, đặc biệt là ở những thành phố lớn có trình độ kinh tế phát triển, hoặc khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đặc thù vượt trội như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Ninh, Cần Thơ… với các mô hình, các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí. Theo các chuyên gia kinh tế, với những lợi ích to lớn mà hoạt động KTBĐ mang lại, KTBĐ đã và đang trở thành một trong những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy nhiều ngành nghề kinh doanh cả truyền thống và hiện đại. KTBĐ là một phần quan trọng của nền kinh tế đô thị hiện đại và sự phát triển lớn mạnh của nó cũng phản ánh sự cởi mở và tính năng động của kinh tế địa phương.
Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
Vĩnh Tường là huyện đồng bằng nằm về phía Tây Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, là một vùng đất cổ thuộc dải đồng bằng bồi tụ của sông Hồng. Vĩnh Tường có 3 thị trấn và 25 xã, với diện tích tự nhiên 144,01 km2, có tổng dân số 212.518 người. Vĩnh Tường có vị trí nằm ở giữa 3 đô thị lớn đó là Thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ), Thành phố Vĩnh Yên và thị xã Sơn Tây (Thủ đô (Hà Nội) nên rất thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội với các tỉnh, thành phố lân cận.
Trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Vĩnh Tường hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng. Hiện nay, toàn huyện có trên 260 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Đình Thổ Tang), 20 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 73 di tích xếp hạng cấp tỉnh; có gần 100 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 02 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (lễ hội đền Ngự Dội - xã Vĩnh Ninh; lễ hội truyền thống xã Đại Đồng).
Vĩnh Tường còn có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng và ẩm thực đặc sắc như: làng rắn ở xã Vĩnh Sơn, làng rèn Bàn Mạch ở xã Lý Nhân; làng mộc ở các xã An Tường, Lý Nhân, Tân Phú; làng cơ khí, vận tải đường thủy ở xã Việt Xuân; các món ăn nổi tiếng như: cá nướng hạ thổ, giò Ốc gác bếp ở xã Tam Phúc; bánh trùng mật mía ở thị trấn Vĩnh Tường, đậu rùa ở xã Tuân Chính,… Cũng từ rất xưa, Vĩnh Tường đã hình thành nên một khu chợ buôn bán nhộn nhịp rất nổi tiếng - chợ Thổ Tang được biết đến là nơi trung chuyển hàng hóa vào loại bậc nhất miền Bắc cũng như cả nước, đã hình thành nên những con người Thổ Tang năng động, nhạy bén với thị trường.
Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá phát triển. Hạ tầng các khu công nghiêp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang được hoàn thiện, tiếp tục thu hút lực lượng lao động lớn trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống chợ nông sản… trên địa bàn huyện Vĩnh Tường cũng đã và đang được đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ và ngày càng hiện đại. Ngoài ra, với khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động, được coi là thời kỳ cơ cấu dân số “vàng”- đây là cơ hội, là nguồn lực lớn để Vĩnh Tường nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho huyện.
Những tiềm năng, thế mạnh về địa lý, về nguồn lao động, về hệ thống kết cấu hạ tầng, những giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử đó cần được tiếp tục khai thác và phát huy tối đa hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Định hướng phát triển kinh tế ban đêm ở huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn hiện nay
Phát triển mô hình KTBĐ được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng, khai thác tiềm năng, lợi thế về vùng đất văn hóa, lịch sử, ẩm thực; tạo không gian phát triển và kết nối các hoạt động thương mại, dịch vụ, vui chơi, ẩm thực vào ban đêm với phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Vĩnh Tường, hướng đến xây dựng huyện Vĩnh tường trở thành thị xã Vĩnh Tường. Năm 2009, Huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HUvề tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020”; tiếp đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Tường lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu: “đưa Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV vào những năm đầu thập niên 20 và đến năm 2030 trở thành thị xã vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc” đã thể hiện rõ tầm nhìn, đổi mới, khát vọng, ý chí và quyết tâm xây dựng và phát triển huyện Vĩnh Tường trong bối cảnh mới của Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Tường lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, bà Hoàng Thị Thúy Lan- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã nhấn mạnh: “Phấn đấu đưa Vĩnh Tường trở thành trung tâm dịch vụ thương mại sầm uất, văn minh mang đúng giá trị thương hiệu Vĩnh Tường thời hội nhập”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Tường lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan - Bí thư Tỉnh ủy; thời gian qua, Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường đã chủ động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đánh giá tiềm năng, lợi thế của huyện cũng như tận dụng cơ hội mới cho phát triển, ngày 28/12/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 500-QĐ/HU giao một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho người đứng đầu chi, đảng bộ, cơ quan, đơn vị, trong đó nhiệm vụ xây dựng Đề án mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn huyện được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế của huyện Vĩnh Tường. Đây được coi là cơ sở chính trị rất quan trọng để các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện triển khai xây dựng đề án.
Để hiện thực hóa nhiệm vụ, cũng như tổ chức triển khai xây dựng mô hình KTBĐ có hiệu quả, theo đó cần xác định và thực hiện tốt những quan điểm có tính nguyên tắc sau:
Thứ nhất, phát triển KTBĐ tại huyện Vĩnh Tường phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của huyện, và các quy hoạch có liên quan đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030;
Thứ hai, phát triển KTBĐ tại huyện Vĩnh Tường trên cơ sở kế thừa và phát huy thế mạnh về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ẩm thực để hình thành sản phẩm độc đáo, thu hút du khách, tạo gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân và du khách;
Thứ ba, địa điểm, khu vực triển khai các hoạt động, dịch vụ ban đêm phải được quy hoạch đồng bộ, có lộ trình phát triển và nguồn lực thực thi phù hợp;
Thứ tư, nội dung phát triển KTBĐ phù hợp với nhu cầu, xu thế của thị trường, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu tiêu dùng, vui chơi, giải trí của người dân và du khách;
Thứ năm, phát triển KTBĐ tại huyện Vĩnh Tường trên cơ sở thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhà đầu tư;
Thứ sáu, phát triển KTBĐ tại huyện Vĩnh Tường phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, cộng đồng, của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Có thể bạn quan tâm
07:30, 07/11/2023
06:17, 06/11/2023
04:00, 02/11/2023
04:00, 31/10/2023